Vương đô Bắc Kinh trong lịch sử Trung Quốc

LÝ DO BẮC KINH TRỞ THÀNH VƯƠNG ĐÔ CỦA TRUNG QUỐC

Nhiều nhà phong thủy Trung Quốc khẳng định việc Bắc Kinh trở thành trung tâm chính trị, quân sự trọng yếu của đất nước có liên quan tới địa thế đặc biệt của nơi này. 

Những giai đoạn được chọn là kinh đô

Thành Bắc Kinh phía Nam có Thiên Đàn (đàn tế trời), phía bắc có Địa Đàn, mặt Đông có Nhật Đàn, phía Tây là Nguyệt Đàn. Cùng với đó còn có Chu Tước ở phía trước, Huyền Vũ trấn phía sau, bên trái có Thanh Long, mạn phải là Bạch Hổ.

Có thể nói Bắc Kinh – thành phố có hơn 3.000 năm lịch sử được chọn là trung tâm chính trị, quân sự trọng yếu cũng có một phần liên quan tới địa thế phong thủy này.

Từ khi Chu Vũ Vương ban mảnh đất này cho hậu duệ vua Nghiêu, nơi đây có tên là Kế Châu. Sau này, nước Yên coi Kế Châu là kinh đô. Đến đời nhà Liêu, nơi đây tiếp tục được chọn làm thủ phủ, đổi tên thành Yên Kinh.

Vào năm 1153, nhà Kim dời đô về Bắc Kinh, đổi tên thành Trung Đô. Nơi đây từ đó cũng trở thành trung tâm chính trị.

Nhà Nguyên khi định đô tại đây đã đổi tên vùng đất này thành Đại Đô, dùng nguyên tắc “tiền triều hậu thị, tả tổ hữu xã” (trước là hoàng cung, sau là thành thị, bên trái xây điện thờ tổ, bên phải xây đàn xã tắc) để kiến thiết và tạo dựng quy mô của thành Bắc Kinh.

Minh triều lúc đầu định đô tại Nam Kinh, đã tiến hành dỡ bỏ cung điện cũ của Nguyên triều, đem Bắc thành chuyển dời theo hướng Nam để triệt hạ vương khí của triều đại trước. Tuy nhiên, Minh Thành Tổ sau đó đã quyết định dời đô về Bắc Kinh và di chuyển trục kinh thành 150 m về phía Đông, xây dựng thành mới trên trục lộ này. Tại phía Bắc, ông còn xây Cảnh Sơn để trấn vương khí nhà Nguyên, cũng là tạo thế phong thủy cho nhà Minh vững bền và ổn định.

Đến thời nhà Thanh, Bắc Kinh vẫn được chọn làm kinh đô, còn được xây thêm Địa Đàn, Nhật Đàn, Nguyệt Đàn để thờ cúng.

Vương đô Bắc Kinh trong lịch sử Trung Quốc

Chi tiết yếu tố phong thủy của thành Bắc Kinh

Bắc Kinh nằm ở giữa vùng đồng bằng Hoa Bắc, cùng với cao nguyên tây bắc Mông Cổ và bình nguyên Tùng Liêu ở đông bắc. Nơi đây phía tây bắc là sơn mạch Yến Sơn, phía tây nam là sơn mạch núi Thái Hành, mặt nam là bình nguyên Hoa Bắc, hướng Đông là vịnh Bột Hải, còn có hai bán đảo và Liêu Đông ôm lấy Bột Hải, tạo thành tấm lá chắn bảo vệ kinh thành.

Nơi này phía Bắc dựa vào núi hiểm, phía Nam khống chế bình nguyên, xung quanh có các tiểu bình nguyên. Địa thế như vậy được các nhà hiền triết của nhiều triều đại coi trọng.

Quý tộc Mông Cổ là Ba Đồ Nam từng nhiều lần đề cử Bắc Kinh với Hốt Tất Liệt. Trong “Nguyên sử” phần “Ba Đồ Lỗ truyện” có ghi lại lời nhận định của vị đại thần này:

“Yến Kinh (tên cũ của Bắc Kinh) nằm nơi hiểm yếu, phía bắc thì núi non hùng vĩ, phía nam có thể khống chế Trung Nguyên, lại thông với vùng Giang Hoài (vùng đất nằm giữa Trường Giang và Hoài Hà), phía bắc liền với sa mạc.

Thiên tử phải ở đó trị vì thiên hạ. Nếu vương muốn trị vì thiên hạ thì không thể không định đô ở đất Yên”. Vì vậy Hốt Tất Liệt quyết định chọn nơi đây làm kinh đô.

Học giả Đào Tông Nghi trong “Nam thôn chuyết canh lục” đã từng miêu tả đây là nơi “bên phải có núi Thái Hành, bên trái có biển cả, bao quát được Trung Nguyên, mặt phía nam chẩm Cư Dung, điện Sóc Phương.”

Đầu thời Minh, Chu Nguyên Chương đánh xuống Bắc Bình (Bắc Kinh), có hỏi ý kiến các đại thần về việc định đô ở đây. Các quan cho rằng đây là nơi Nguyên triều lụi bại, vương khí đã hết, không thích hợp làm kinh đô.

Hàn lâm tu soạn Bảo Tần nói: “Hồ chúa xuất phát từ sa mạc, lập nước ở đất Yên, đã được trăm năm, địa khí đã hết. là vùng đất khởi hưng, không cần thay đổi kế hoạch.”

Minh Thành Tổ Chu Đệ sau trận Tĩnh Nam đánh đuổi Minh Huệ Đế, không muốn định đô ở Nam Kinh đã quyết định dời đô về Bắc Kinh. Bởi lẽ mảnh đất này xưa kia vốn là đất phong của Chu Đệ, lại cho rằng nơi đây có “long yểm” (rồng ẩn).

Trong “Minh thực lục” phần “Thái Tông thực lục” có viết: “Bắc Kinh là đất long hưng của thánh thượng, phía bắc gối đầu lên Cư Dung, phía tây tựa vào Thái Hành, phía đông nối liền Sơn Hải, bao quát Trung Nguyên, đất đai màu mỡ, địa thế sơn xuyên, đủ đế khống chế tứ di, làm chủ thiên hạ, có thể giữ ngôi vương muôn đời.”

Nhiều người cho rằng việc định đô ở Bắc Kinh là một quyết định sáng suốt.

Cuốn Vạn Lịch biên soạn thời nhà Minh có đánh giá nơi đây “xung quanh có biển làm thành trì, có núi Thái Hà che chở, lại gối đầu lên ải Cư Dung, ở giữa khống chế bên ngoài”, còn là nơi “vạn năm cường ngự, muôn đời trị an”. Nhưng tới cuối thời nhà Minh, chính quyền ngày càng lụn bại. Tai vạ liên tiếp xảy ra: Anh Tông bị bắt, Vũ Tông bị vây tại Dương Hòa, Lý Tự Thành bao vây kinh sư… cục diện chính trị vô cùng bất ổn. Có nhà phong thủy cho rằng đây là hậu quả của việc Minh triều dời đô.

Tuy nhiên, nguyên nhân chính khiến vương triều này sụp đổ không phải ở yếu tố địa lý. Bắc Kinh tuy rằng nằm gần biên giới phía Bắc, khiến chính quyền nhà Minh khó bề yên ổn.

Nhưng nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự lụi bại của triều đại này chính là cách thức cai trị của người đứng đầu. Nếu phong thủy Bắc Kinh quả thực có vấn đề, tại sao Thanh triều sau đó vẫn chọn nơi này làm kinh đô và thậm chí còn tồn tại được tới hai thế kỷ?

Vương đô Bắc Kinh trong lịch sử Trung Quốc

SỰ THẬT ĐẪM MÁU ĐẰNG SAU VIỆC MINH THÀNH TỔ DỜI ĐÔ ĐẾN BẮC KINH

Vì kinh đô Nam Kinh ngập trong máu và xác người, vị Hoàng đế tàn bạo khét tiếng Trung Quốc Minh Thành Tổ quyết định dời đô đến Bắc Kinh?

Thập Tam Lăng (13 lăng mộ của nhà Minh) tọa lạc tại phía Nam chân núi Thiên Thọ, huyện Xương Bình, cách thủ đô Bắc Kinh 100 km về phía Bắc. Diện tích khu lăng mộ rộng hơn 120 km2, là nơi yên nghỉ của 13 vị hoàng đế nhà Minh. Đây cũng là một trong những di chỉ lăng mộ Hoàng đế được bảo tồn tương đối hoàn chỉnh của Trung Quốc.

Trong Thập Tam Lăng, Trường Lăng là lăng chính, thờ Minh Thành Tổ Chu Đệ. Mặc dù đây là vị Hoàng đế có tiếng trong lịch sử triều Minh, song ông không lên ngôi báu theo chế độ “cha truyền con nối”, không dùng biện pháp hòa bình mà là dùng vũ lực để cướp ngôi, thống trị thiên hạ.

Theo sử sách Trung Quốc, Chu Tiêu – Thái tử của Hoàng đế khai lập ra triều Minh Chu Nguyên Chương qua đời khi còn rất trẻ. Trong hoàn cảnh đó, Hoàng thái tôn Chu Kiến Văn trở thành người kế thừa ngai vàng.

Sau khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương qua đời, Hoàng thái tôn kế thừa ngôi báu. Đó chính là Kiến Văn Hoàng đế. Tuy nhiên, những ngày giữ ngang vàng, điều hành đất nước của Kiến Văn Hoàng đế kéo dài không được bao lâu.

Chú thứ 4 của ông là Yến Vương Chu Đệ trấn thủ Bắc Bình (nay là Bắc Kinh), xưng danh “Thanh quân trắc” (có nghĩa là thanh trừ kẻ xấu thân cận bên cạnh quân vương), khởi binh lật đổ nhà vua. Trong khi việc Hoàng đế bị lật đổ còn chưa rõ ràng, Chu Đệ lấy danh nghĩa người chiến thắng, soán ngôi Hoàng đế, sau đổi niên hiệu thành Vĩnh Lạc Hoàng đế, trứ danh trong lịch sử Minh triều.

Là chư hầu một phương, việc Yến Vương khởi binh phản đối chính quyền trung ương là một hành động đại nghịch bất đạo. Những quan viên Minh triều trung thành với Kiến Văn Hoàng đế – người được lập nên theo cách chính thống, hợp với lệ triều đình, không ngừng phản kháng quân đội của Yến Vương, đáng được coi là những trung thần. Tuy nhiên, khi Kiến Văn Hoàng đế bị soán ngôi, Yến Vương đã lãnh đạo các anh em huynh đệ của mình khống chế thế cục. Bản thân ông trong chốc lát đã trở thành Vĩnh Lạc Hoàng đế, tình thế theo đó cũng nhanh chóng đổi thay.

Dù Minh triều vẫn là Minh triều, nhưng trên thực tế, Minh triều đã trở thành triều đại của Yến Vương chứ không còn là của Kiến Văn Đế. Những trung thần lâu nay luôn ủng hộ Văn Đế, lẽ tự nhiên gặp đại họa, bỗng chốc biến thành những kẻ phản Minh.

Chu Đệ chịu ảnh hưởng nhiều từ tính cách hung tàn cũng như các lý luận của phụ vương Chu Nguyên Chương. Ông cũng là một vị vua máu lạnh khét tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Theo nguyên tắc của Huyết thống luận: “Lão tử anh hùng nhi hảo hán, Lão tử phản động nhi hỗn đản”, những người tham gia vào các hoạt động phản đối Vĩnh Lạc Hoàng đế đều bị trừng phạt bằng những nhục hình dã man như lột da, thả vào vạc dầu, nấu trong nước sôi… Không những vậy, vợ, em gái, em dâu, cháu ngoại…, tất cả những phụ nữ có liên quan đến các bậc trung thần nói trên đều bị Chu Đệ đều bị đưa đến các lầu xanh làm kỹ nữ. Ngay cả những người đã xấp xỉ lục tuần cũng không ngoại lệ.

Thảm cảnh này xảy ra khắp Nam Kinh, thậm chí còn lan đến tận Bắc Kinh. Sau khi Chu Đệ xưng đế, Nam Kinh vẫn chìm trong biển máu. Từ quảng trường cố cung thời Minh cho đến Vũ Đài Hoa ở huyện Phụ Quách, không nơi nào máu không vương vãi. Những hình ảnh này đập thẳng vào mắt tân Hoàng đế, khiến tâm thế ông luôn trong trạng thái bất an. Vĩnh Lạc Hoàng đế trước tình thế đó đã phải tính đến chuyện dời đô đến một nơi khác, mà ở đó ông không còn phải chứng kiến những cảnh tượng ám ảnh tâm trí mỗi ngày.

Ngoài ra, còn một nguyên nhân quan trọng nữa khiến vị Hoàng đế thứ 3 của Minh triều tính đến chuyện dời đô. Chu Đệ từng trấn thủ Bắc Bình nhiều năm, hơn ai hết, ông biết nơi này có một vị trí quan trọng như thế nào về mặt quân sự. Trước khi bị Chu Nguyên Chương lật đổ, nhà Nguyên đóng đô tại Đại Đô (nay là Bắc Kinh). Thất thế, quân Nguyên dồn về thảo nguyên Mông Cổ, nhưng vẫn không ngừng mở các đợt tấn công hòng tái chiếm lại các mảnh đất do Minh triều cai quản. Do đó, việc dời đô về phía Bắc nằm trong toan tính của Chu Đệ, nhằm trấn áp các cuộc nổi dậy của những người ủng hộ Nguyên triều. Một công đôi việc, đó là lý do Vĩnh Lạc Hoàng đế quyết định dời đô từ Nam Kinh đến Bắc Kinh.

Năm Vĩnh Lạc thứ 4 (năm 1406), bá quan văn võ tại Bắc Bình phụng chỉ Hoàng đế, điều động hàng trăm vạn người, chính thức xây dựng cung điện Bắc Kinh. Những di sản văn hóa thế giới của Trung Quốc như Cố Cung, Thiên Đàn, Đại Miếu và nhiều công trình có quy mô hoành tráng khác mà chúng ta thấy ngày nay, chính là những công trình được dựng lên sau khi Vĩnh Lạc Hoàng đế dời đô đến Bắc Kinh.

Như vậy, dù Bắc Kinh đã từng được Nguyên Thế Tổ Hốt Tất Liệt chọn làm kinh đô (Đại Đô), nhưng quãng thời gian này chỉ kéo dài 97 năm (1271 – 1368), sau khi Nguyên triều bị Chu Nguyên Chương lật đổ.

Chỉ từ sau khi Vĩnh Lạc Hoàng đế quyết định dời đô đến Bắc Kinh, địa danh này qua nhiều thời kỳ vẫn liên tục được duy trì làm kinh đô và cũng là thủ đô của Trung Quốc ngày nay.

Những thông tin về vương đô Bắc Kinh mà https://travel.duhoctrungquoc.vn/ vừa chia sẻ trên đây có đem lại sự hứng thú cho du khách muốn được một lần đặt chân đến khám phá? Nếu câu trả lời là có thì du khách hãy đặt ngay cho mình một tour du lịch Trung Quốc và ghé thăm thủ đô Bắc Kinh nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi vui vẻ và thú vị!

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 11:22:06

Danh mục đăng tin:Du lịch Trung Quốc, Khám Phá Trung Quốc,
Top