Những giai thoại về "đệ nhất tham quan" Hòa Thân – thời nhà Thanh

Vài nét về Hòa Thân

Ngày 1 tháng 7 năm 1750 (năm Càn Long thứ 15), Hòa Thân ra đời trong một gia đình Phó đô đốc tại Phúc Kiến. Năm lên 3 tuổi, mẹ ruột của ông qua đời sau khi sinh hạ em trai Hòa Lâm. 6 năm sau, Hòa Thân lại phải chịu cảnh mồ côi cha. May mắn khi đó ông được một người hầu lâu năm trong gia đình nuôi dưỡng.

Sau này, Hòa Thân được theo học tại Hàm An cung. Nhờ tinh thông bốn thứ tiếng là Mãn, Hán, Mông Cổ, Tây Tạng, lại nằm lòng Tứ thư, Ngũ kinh, nên ông được hai thầy giáo là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang rất mực yêu mến.

Vào năm Càn Long thứ 33 (năm 1768), Hòa Thân lấy con gái của Tổng đốc Phùng Anh Liêm làm vợ khi mới 18 tuổi. Năm 1769, ông tham dự kỳ thi khoa cử nhưng không đỗ. Sau đó, Hòa Thân cùng bạn đồng học làm người khênh kiệu cho phủ Đô úy.

Tới năm 22 tuổi, Hòa Thân mới làm đến chức thị vệ. Một năm sau, ông có cơ hội phô diễn tài năng của mình trước mặt Hoàng đế, nên nhanh chóng trở thành cận thần thân tín của nhà vua.

Năm Càn Long thứ 38 (năm 1773), Hòa Thân được giữ chức Đại thần Quản khố, chuyên lo việc quản lý tiền bạc. Từ đây, ông bắt đầu rèn luyện bản lĩnh quản lý tài chính. Năng khiếu về chuyện tiền bạc của họ Hòa này từng nhiều lần khiến Hoàng đế trầm trồ khen ngợi.

Tháng giêng năm 1776, Hòa Thân nhậm chức Thị lang Bộ Hộ. Tới tháng ba năm đó, ông lại được bổ nhiệm làm Quân cơ đại thần, một tháng sau được phong làm đại thần Tổng quản phủ Nội Vụ.

Những giai thoại về "đệ nhất tham quan" Hòa Thân - thời nhà Thanh

Khi cảm nhận được sự vững chắc của địa vị cũng là lúc Hòa Thân thấu hiểu chân lý “gần vua như gần cọp”. Ông lo lắng nếu một ngày bị bãi quan sẽ không thể sống nổi nếu chỉ dựa vào tích cóp bổng lộc ít ỏi của triều đình. Cũng từ đây, vị quan họ Hòa này dấn thân vào con đường tham ô. Cái “nghiệp” làm tham quan này cũng gắn chặt với ông cho tối tận lúc qua đời.

Vào năm Càn Long thứ 45 (năm 1780), Đại học sỹ kiêm Tổng đốc Vân Quý là Lý Thị Nghiêu bị tố giác tham nhũng. Càn Long liền hạ lệnh cho Thị lang Bộ Hình là Khách Ninh và Hòa Thân điều tra vụ việc. Vụ án nhiều ngày không tiến triển, chỉ đến khi Hòa Thân dùng hính bức cung quản gia Triệu Nhất Hằng, việc tham ô của Lý Thị Nghiêu mới lộ ra chân tướng.

Sự việc bê bối của họ Lý gác lại, Hòa Thân cũng lén lút “bỏ túi” được phân nửa tài sản của tên tham quan này. Sau đó, Càn Long lại càng trọng dụng ông. Hòa Thân lúc này lại thêm say mê tiền tài, quyền lực.

Sau này, con trai ông là Phong Thân Ân Đức được Càn Long gả cho Thập công chúa. Hòa Thân từ đó càng được thêm nhiều người nịnh bợ. Từ chỗ không nhận hối lộ, ông bắt đầu tham ô, kết đảng, hình thành thế lực khuynh đảo triều đình.

Thủ đoạn tham ô của đại tham quan họ Hòa cho tới sau này vẫn được xem là những kế sách cao minh cho những quan tham ngày nay… học tập! Vậy nhưng, Hòa Thân “phất lên” không chỉ dựa vào bản thân, mà còn một “pháp bảo”. Đó chính là Càn Long Hoàng đế.

Vì yêu quý vị đại thần này, Càn Long nhiều lần bao che, xử nhẹ, đối với Hòa Thân việc gì cũng “mắt nhắm mắt mở”. Phải đến thời Gia Khánh, những mánh khóe tham ô của đại tham quan này mới bị vạch trần. 

Ngày 12 tháng 2, Hòa Thân bị bắt cùng với Phúc . Sau khi bị hạch tội, Gia Khánh đã ra chỉ dụ kết án Hòa Thân xử lăng trì, tịch thu gia sản. Tuy nhiên sau đó, Gia Khánh lại quyết định miễn cho Hòa Thân khỏi một cái chết đau đớn, thay vào đó bắt ông tự vẫn tại phủ ngày 22 tháng 2 năm 1799, tha cho gia đình Hòa Thân, còn Phúc Trường An bị chém đầu. Đây cũng là chuyện lạ với những tội danh tày đình như thế, nguyên do có thể gắn với những báu vật bí ẩn trong cung của Hòa Thân. Khi phá dỡ hai hòn giả sơn, triều đình phát hiện và tịch thu con tỳ hưu bằng ngọc phỉ thúy xanh, nhưng chữ Phúc (bút tích của chính vua Càn Long viết để tặng bà nội nhân dịp thượng thọ, không biết như thế nào lại lọt vào tay Hòa Thân) thì được tạc vào một khối đá lớn. Nếu phá khối đá thì chữ Phúc cũng tan, mặt khác do bút tích của vua Càn Long nên không ai dám động vào. Đó là điềm báo khiến vua Gia Khánh tha chết cho cả nhà Hòa Thân.

Sự giàu có của Hòa Thân vốn đã nổi tiếng, nhưng kết quả của sự tịch thu gia sản còn làm cho mọi người kinh ngạc hơn. Bản tịch biên gia sản rất dài ghi đủ các thứ vàng bạc châu báu, gấm vóc… không thể nào đếm xuể, tính ngang với số thu nhập của triều đình trong mười năm. Sau này nghe nói, số lớn của cải châu báu tịch thu được đều được Gia Khánh Đế cho người đến chuyên chở về cung. Vì thế trong dân gian có câu nói châm biếm vần miệng là: “Hòa Thân bị đổ, Gia Khánh vớ bở”.

Những giai thoại về "đệ nhất tham quan" Hòa Thân - thời nhà Thanh

Trong 24 năm từ khi Hòa Thân bắt đầu được Hoàng đế Càn Long để mắt và sủng ái, vị đại thần này đã gom góp được một số tài sản lớn tới mức khó tin. Sự giàu sang của ông ta được thể hiện qua số tài sản bị tịch thu, gồm có: Những dinh thự, đất đai có tổng cộng 3.000 phòng, 8.000 mẫu (32 km²) đất, 42 ngân hàng, 75 tiệm cầm đồ, 600 cân nhân sâm thượng hạng, 60.000 lạng vàng bọc đồng, 100 thỏi vàng lớn nguyên chất (1.000 lạng mỗi thỏi), 56.600 thỏi bạc cỡ vừa (100 lạng mỗi thỏi), 9 triệu thỏi bạc nhỏ (10 lạng mỗi thỏi), 58.000 cân tiền ngoại, 1.500.000 đồng tiền xu, 1.200 miếng ngọc bội, 230 chuỗi ngọc trai (mỗi viên ngọc trai có cỡ gần tương đương quả anh đào lớn), 10 viên ngọc trai lớn (cỡ tương đương quả nhãn), 10 viên hồng ngọc, 40 viên ngọc bích lớn, 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng bạc (10 bộ mỗi bàn), 40 bàn đựng bộ đồ ăn bằng vàng (10 bộ mỗi bàn), 11 tảng san hô (mỗi tảng cao hơn 1m), 14.300 xấp lụa tốt, 20.000 tấm len lông cừu loại tốt, 550 tấm da cáo, 850 tấm da gấu, 56.000 tấm da cừu và da gia súc độ dày khác nhau, 7.000 bộ quần áo tốt (mặc trong cả bốn mùa), 361.000 chiếc bình bằng đồng và thiếc, 100.000 đồ sứ được làm bởi các nghệ nhân có tiếng, 24 cái giường bằng vàng ròng có trang trí tinh xảo (mỗi giường có cẩn tám loại đá quý khác nhau), 460 cái đồng hồ tốt của châu Âu, 600 tì thiếp trong phủ, còn gia nhân thì không tính hết. Tổng cộng gia sản của Hòa Thân ước lượng vào khoảng 1.100 triệu lạng bạc, nhiều lời đồn cho rằng nó còn tương đương số tiền mà quốc khố nhà Thanh phải mất 15 năm mới thu được. Trong nhà Lưu Quân, tổng quản phủ Hòa Thân, một số lượng lớn châu báu nữa bao gồm 240.000 lạng bạc cũng bị tịch thu.

Hoàng đế Gia Khánh đã gán cho Hòa Thân 20 tội danh, như “coi thường vương pháp”, hay “cậy quyền cậy thế”.

Ảnh hưởng của Hòa Thân không chỉ chấm dứt sau khi ông ta chết, nạn tham nhũng tiếp tục ngày càng lan tràn cả trong và ngoài kinh đô, trong cả quan văn và võ. Bát kì trở thành một đội quân ngày càng vô dụng. Quân Chính Lam kì ngày càng hỗn loạn và mất đi nhiều trụ cột từ đầu thời nhà Thanh. Thói quen xa hoa, tiêu xài lãng phí làm lu mờ đạo đức dẫn đến sự suy tàn dần của triều đại này. Mười chiến dịch lớn của Càn Long đã tốn hết 120 triệu lạng bạc, trong khi thu nhập quốc khố hàng năm không hơn 40 triệu lạng bạc. Kết quả của những khoản chi khổng lồ đó đã làm gia tăng thâm hụt ngân quỹ trong giai đoạn sau của nhà Thanh.

Hòa thân – người tình đồng tính đẹp như mỹ nhân của Càn Long

Có rất nhiều dị bản kể về mối tình Càn Long – Hòa Thân, nhưng có một câu chuyện mà nhiều tài liệu ghi lại nhất chính là việc Hòa Thân chính là truyền kiếp của phi tử bị chết vì Càn Long hóa thành.

Theo một số lời kể cho biết, vì vô tình vung lược đập trúng mặt Càn Long (lúc này đang là thái tử) khiến Càn Long bị một vết đỏ ở mặt nên phi tử của Ung Chính (cha Càn Long) đã bị thái hậu ban cho cái chết.

Càn Long rất đau khổ vì điều này nên đã dùng ngón tay đánh dấu vết đỏ lên cổ người phi tử này và hứa hẹn sau này phi tử này đầu thai sẽ gặp nhau.

Không biết thực hư ra sao nhưng sau khi trở thành vua nhà Thanh, Càn Long gặp Hòa Thân phát hiện trên cổ của vị đại thần này có một vết bớt đỏ hình ngón tay và cho rằng đây chính là người phi tử đầu thai.

Những giai thoại về "đệ nhất tham quan" Hòa Thân - thời nhà Thanh

Khác với rất nhiều tạo hình Hòa Thân trong phim, nhiều tài liệu ghi lại rằng Hòa Thân sở hữu dung mạo rất đẹp, trắng trẻo, môi đỏ, khuôn mặt sắc nét rất quyến rũ. Sử sách cũng ghi lại “Hòa Thân có dung mạo trắng trẻo, da trắng môi đỏ, cử chỉ trang nhã xinh đẹp chẳng khác gì nữ nhân”. Khi gặp Càn Long, Hòa Thân đang ở độ tuổi 20, Sử Trung Quốc là: diễm lệ hơn cả phi tần của Càn Long.

Ngoài việc sở hữu diện mạo giống người phi tử yêu quí, Hòa Thân còn tinh thông vạn việc khiến Càn Long càng ngày càng sủng hạnh. Dù có hàng trăm phi tần xinh đẹp xung quanh nhưng Càn Long vẫn suốt ngày quấn quýt lấy Hòa Thân. Nhiều tài liệu ghi lại rằng nếu ngày nào mà Càn Long không gặp được Hòa Thân sẽ không chịu được nên hằng ngày vị đại thần này phải vào hầu hạ và thăm nom. Sự sủng hạnh của Càn Long dành cho Hòa Thân không có gì phải bàn cãi và ngược lại Hòa Thân cũng cực kỳ yêu thương người tình đồng tính của mình. Không những hết lòng phục vụ mà Hòa Thân còn coi Càn Long như “người yêu” của mình, quấn quýt hầu hạ còn hơn bất cứ tên thái giám nào trong cung.Càn Long vi hành nơi đâu cũng đem theo Hòa Thân theo. Vì vậy mà có tư liệu cho rằng Hòa Thân là hoạn quan.

Để chứng minh cho “tình yêu” của mình Càn Long còn gả đệ nhất công chúa mà ông nhất mực yêu thương cho con trai Hòa Thân và phong hiệu”Phong Thân Ân Đức”. Một số tài liệu còn ghi rằng Càn Long còn có ý định nhường ngôi cho Hòa Thân và việc này đã khiến vị vua sau này là Gia Khánh vô cùng tức giận.

Tài liệu ghi lại rằng sau này khi Hòa Thân bị xử chết tại pháp trường có làm một bài thơ với nội dung rằng: nếu có kiếp sau ông cùng xin được làm thần tử hầu hạ cho Càn Long.

Lưu tiếng xấu muôn đời, tham quan Hòa Thân vẫn để lại bài học lấy lòng cấp trên đáng ngẫm!

Có nhiều lý do để Càn Long bao che cho Hòa Thân song sự cố gắng của nhân vật này được xem là yếu tố then chốt.

lấy lòng cấp trên của Hòa Thân

Khi còn đi học, Hòa Thân đã bộc lộ sự vượt trội hơn hẳn so với các bạn học cùng xuất thân Bát Kỳ khác. Năm lên 10 tuổi, ông đã bắt đầu học cách bắt chước kiểu chữ của Càn Long để sau này khi viết tấu chương có thể lấy được thiện cảm từ Hoàng đế. Thầy dạy của ông là Ngô Tỉnh Lan biết được chuyện này lại càng thêm cảm mến học trò của mình, từ đó dốc lòng truyền dạy cho Hòa Thân.

Nhờ học thuộc Luận Ngữ, Hòa Thân đã trở thành thị vệ duy nhất có thể đàm đạo cùng Càn Long. Có lần, nhà vua thuận miệng dẫn một câu trong Luận Ngữ để biểu đạt ý trách cứ với quần thần. Khi đó, một thị vệ tuấn tú đã tiếp lời ông. Không chỉ hiểu ý Càn Long, thị vệ kia còn đưa ra một câu trả lời khiến Hoàng đế vô cùng hài lòng. Đó không ai khác chính là Hòa Thân. Từ đó về sau, Càn Long đã bắt đầu để mắt và thích đàm đạo cùng người thị vệ họ Hòa này.

Những giai thoại về "đệ nhất tham quan" Hòa Thân - thời nhà Thanh

Có lần, Càn Long ngồi ở Viên Minh Viên xem chú giải của Chu Hi về “Mạnh Tử”. Nhưng vì chữ quả nhỏ nên Hoàng đế cảm thấy khó nhìn. Ngay lúc ấy, Hòa Thân đã nhanh chí học thuộc toàn bộ chú giải và đọc lại cho Hoàng đế nghe. Nhờ vậy, Hoàng đế khen ngợi ông có tài học, ban chỉ phong cho chức tước. Kể từ đó, Hòa Thân chính thức bắt đầu con đường quan lộ của mình.

Uốn ba tấc lưỡi, dễ dàng hóa nguy thành an

Khi về già, Càn Long rất mực sủng ái Đôn phi. Vị phi tần này càng được nước, trở nên ngang ngược, thường xuyên đánh mắng người hầu. Có lần, Đôn phi vì một chuyện nhỏ mà đánh chết cung nữ. Càn Long biết chuyện đã vô cùng tức giận, định phế truất nàng. 

Đôn phi vội tìm đến cầu cứu Hòa Thân. Vốn hiểu tính Hoàng đế vị quan họ Hòa biết Càn Long chỉ tức giận nhất thời, liền lấy lý do Thập công chúa còn nhỏ, cần mẹ chăm sóc để khuyên nhà vua bớt giận.

Nhờ câu nói ấy, Hoàng đế chỉ giáng Đôn phi xuống làm tần. Sau này, khi đã lấy lại được sự sủng ái, Đôn phi gả Thập công chúa cho con trai Hòa Thân để báo ân.

Thông qua cuộc hôn nhân với hoàng tộc, địa vị của gia tộc họ Hòa thời bấy giờ càng trở nên vững chắc.

Cách đối nhân xử thế với người thân của vị quan họ Hòa

Sinh thời, Hòa Thân từng được mệnh danh là “đệ nhất mỹ nam tử Mãn Châu”. Có giai thoại còn truyền lại rằng, ông sở hữu dung mạo rất mực tuấn tú, lại có vài phần giống với người tình cũ của Càn Long nên mới được Hoàng đế sủng ái.

Năm xưa, Hòa Thân phất lên phần nào cũng nhờ cuộc hôn nhân với Phùng Tế Văn, con gái tổng đốc Phùng Anh Liêm.

Vị quan này nổi tiếng là có duyên với phụ nữ. Cái khôn khéo của ông không chỉ có đất dụng võ trên chốn quan trường mà cũng được bộc lộ trong cách đối xử với gia đình.

Cũng bởi vậy mà sau khi tham quan họ Hòa ngã ngựa và qua đời, những mỹ nhân theo ông đã nhiều năm như danh kỹ Ngô Liên Khanh, Đậu Khấu cùng ái thiếp Trường Nhị Cô đều tự tử.

Tình yêu nghệ thuật và cách “lách ” khôn khéo

Năm xưa, Hòa Thân từng vô cùng yêu thích cuốn tiểu thuyết “Thạch đầu ký”. Thế nhưng chờ mãi không thấy ra hồi thứ 40, nên vị quan này đã âm thầm tìm Cao Ngạch và lệnh cho ông viết tiếp.

Dưới thời bấy giờ, “Thạch đầu ký” nằm trong danh mục sách cấm. Cao Ngạch chiếu theo ý của Hòa Thân nên đã tiến hành biên soạn, sửa đổi, thêm nội dung ca ngợi triều đình vào cuốn tiểu thuyết này.

Sau đó, Hòa Thân đổi tên sách thành “Hồng Lâu Mộng”, lại nhờ Đôn phi dâng cho Càn Long. Nhà vua thấy tác phẩm ấy không có chỗ nào phản nghịch nên đã đồng ý phát hành khắp thiên hạ.

Có thể nói, Hồng Lâu Mộng được lưu truyền và phổ biến cho tới ngày hôm nay, ít nhiều cũng có một phần công sức của vị quan họ Hòa.

Những giai thoại về "đệ nhất tham quan" Hòa Thân - thời nhà Thanh

Câu chuyện “có ân tất báo” của đại tham quan họ Hòa

Sau này, Hòa Thân nắm quyền quản lý, giám sát kỳ thi Hội. Hai người thầy năm xưa của ông là Ngô Tỉnh Khâm và Ngô Tỉnh Lang bất ngờ đến thăm và bái Hòa Thân làm thầy. Bởi hai người nhiều lần thi trượt, nên lần này muốn Hòa Thân giúp đỡ. Hòa đại nhân cũng không quên ân xưa, âm thầm mua chuộc thái giám bên người Hoàng đế. Từ đó, ông biết được Càn Long gần đây thường đọc những phần nào của “Tứ thư”, lại nắm rõ Hoàng đế đang quan tâm đến vấn đề gì nên gần như đoán chính xác phạm vi ra đề. Năm ấy, hai người thầy họ Ngô nhờ sự giúp đỡ của Hòa Thân nên đã thi đỗ, thuận lợi bước lên con đường làm quan.

Càn Long qua đời, Hòa Thân cũng nhanh chóng rớt đài. Sau khi đại tham quan này ngã ngựa, Túc Thân vương Vĩnh Tích phụ trách kiểm kê tài sản của nhà họ Hòa.

Phải tới hai tháng sau, kết quả kiểm kê mới được công bố với những con số khổng lồ tới mức khó tin. Dân gian còn truyền rằng, tài sản nhà Hòa Thân thậm chí bằng 15 năm quốc khố thu vào của Đại Thanh.

Ba ngày trước khi Hòa Thân qua đời vừa đúng vào dịp tết Nguyên Tiêu, khi ấy, ông đã biết thời gian của mình không còn nhiều. Ngồi trong ngục giam nhìn ra cảnh tượng vui vẻ bên ngoài, Hòa Thân không khỏi cảm khái, liền viết lên tường hai bài “Hối thi” (thơ hối hận).

Dù được miễn án lăng trì, nhưng đại tham quan khét tiếng này vẫn không tránh khỏi tội chết. Tháng 2 năm 1799, Hòa Thân tự sát ở tuổi 49.

Hòa Thân nuốt nước mắt viết “lời rủa” trước khi chết, 100 năm sau quả nhiên ứng nghiệm?

Trong suốt hơn 200 năm thành lập và phát triển của triều đại nhà Thanh (Trung Quốc), tham quan không hề ít và Hòa Thân chính là người đứng đầu danh sách đen này. Theo các ghi chép còn lưu lại đến ngày nay, Hòa Thân làm quan 30 năm, năng lực tham ô thực sự khiến người đời kinh ngạc. Tài sản mà tham quan này vơ vét, bỏ vào túi riêng của mình lên đến 1 tỉ lượng bạc trắng, tương đương với tổng thu nhập của Thanh triều trong vòng 15 năm. Cuối cùng, khi vua Càn Long vừa qua đời được nửa tháng, Hòa Thân đã bị vua Gia Khánh ban tặng cho cái chết, kết thúc một đời người.

Những giai thoại về "đệ nhất tham quan" Hòa Thân - thời nhà Thanh

Ban đầu, Gia Khánh vốn định xử Hòa Thân bằng hình phạt lăng trì nhưng sau, dưới sự thỉnh cầu của quan lại, ông ban cho tham quan này cái chết nhẹ nhàng hơn, đó là tự kết liễu đời mình. Nghe được phán quyết của vua, Hòa Thân cầm dải vài trắng, cười điên dại và viết một bài thơ, dùng những lời chửi rủa cả Thanh triều: “Ngũ thập niên lại mộng ảo chân, kim triều tản thủ tạ hồng trần, tha niên thủy phiếm hàm long nhật, nhận thủ hương yên thị hậu thân”.  Hai câu thơ đầu, Hòa Thân hồi ức lại quãng thời gian trước đây của mình nhưng hai câu thơ sau, ông ta mượn một điển cố để chửi rủa thời thế và triều đại ông ta sinh ra. “Thủy phiếm hàm long” ý chỉ nước dân cao. Đầu năm Hòa Thân được ban cái chết, nước sông Hoàng Hà dâng cao, tràn qua đê đập ở , vì thế, “tha niên thủy phiếm hàm long nhật” ý nói, Hòa Thân sẽ đợi đến lần đại hồng thủy tiếp theo để hồi sinh và báo thù Thanh triều.

Năm Đạo Quang thứ 12, nước sông Hoàng Hà một lần nữa lại dâng cao tràn qua đê Hà Nam. Và trùng hợp là, vào đúng năm đó (tháng 10), một bé gái oa oa cất tiếng khóc chào đời, đó chính là Từ Hi thái hậu sau này. Thế nên, có người nói rằng kiếp trước của Từ Hi thái hậu chính là Hòa Thân. Nắm trong tay quyền hành vài chục năm, Từ Hi chính là người đã từng bước đẩy Thanh triều vào con đường diệt vong, bị phương Tây đánh cho tơi tả. 3 năm sau khi Từ Hi chết, Thanh triều chính thức sụp đổ, ứng với lời rủa của Hòa Thân hơn 100 năm trước, chính xác là 113 năm.

Tuy nhiên, đánh giá từ góc độ lịch sử, nguyên nhân dẫn đến sự diệt vong của nhà Thanh là bởi tình trang tham ô, phủ bại đến thối nát và suy cho cùng, đó là lẽ tất yếu của lịch sử phát triển. Thế nên sự suy vong của Thanh triều và lời rủa của Hòa Thân rốt cuộc có liên quan với nhau hay không, cho đến nay vẫn là một giả thiết cần tiếp tục khảo chứng.

Để kể hết những giai thoại về Hòa Thân, có lẽ chỉ 1-2 bộ phim không thể truyền tải hết được. Trong hành trình du lịch Trung Quốc, du khách hãy một lần tự mình đến với Cung Vương Phủ của ông, để biết thêm nhiều chi tiết thú vị cũng như vô số những điều bí ẩn xoay quanh cuộc sống lúc sinh thời của vị quan tai tiếng nhất triều đại nhà Thanh này nhé! Chúc các du khách có một chuyến đi thú vị và vui vẻ!

Thông tin bài viết được thu thập và tổng hợp từ Nguồn Internet chỉ mang tính chất tham khảo.- Email: support@duhoctrungquoc.vn

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 19:23:40

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Văn hoá - Con người,
Top