Khám phá nghệ thuật tranh thủy mặc của Trung Hoa

TRANH THỦY MẶC – NÉT ĐẶC SẮC TRONG NGHỆ THUẬT HỘI HỌA CỔ TRUYỀN TRUNG HOA

Văn minh nhân loại có mấy “cái nôi lớn” là Lưỡng Hà, Ai Cập, Hy lạp, La Mã, Ấn Độ và Trung Hoa rực rỡ từ nhiều thế kỷ trước công nguyên. Song các nền văn minh cổ đại ấy nếu chưa mai một như tại Lưỡng Hà, Ai Cập hay vùng ven Địa Trung Hải thì cũng trải qua những “khoảng trống” hoặc thăng trầm như Ấn Độ. Riêng Trung Hoa là ngoại lệ: phát triển văn hóa – liên tục suốt mấy ngàn năm cho tới nay.Nghệ thuật Trung Hoa với lĩnh vực biểu hiện sâu sắc nhất trong cảm nhận nghệ thuật của họ là Thư pháp đi đôi với Họa pháp, tức là vẽ tranh mà các nước khác gọi là hội họa. Vẽ tranh như người Trung Hoa quan niệm và vẫn thực hiện bao đời thì quả là độc nhất, vô nhị. Tranh Trung Hoa đẹp và độc đáo đến mức ảnh hưởng sâu rộng đến nhiều nền mỹ thuật lân bang như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam.

Xem tranh thủy mặc, tranh thư pháp đời Đường, đời Tống, đời Minh, ta có cảm giác như đang được thưởng thức một bài thơ cổ từ quá khứ xa xưa vọng lại lẫn trong tiếng lục huyền cầm trầm đục rung vào hư không. Ta cứ bâng khuâng mãi với cảm giác đó do từ cái vẻ đẹp thanh tao, thoáng đãng, mơ màng, huyền ảo và đầy thi hứng trong tranh. Sức truyền cảm mạnh mẽ này đã khẳng định một phong cách nghệ thuật độc đáo, đậm đà chất phương Đông của hội họa cổ truyền Trung Hoa. Phong cách nghệ thuật này xuất phát từ ý niệm triết học phương Đông, lấy hư vô làm gốc để điều phối hài hòa cái “hư”, cái “thực”, ứng với vạn biến để diễn tả cái thần thái của vạn vật vào trong tranh. Người Trung Hoa từ lâu vẫn thường nói “Thư họa đồng nguyên” tức là “Viết và vẽ cùng một gốc”. Nghệ thuật Thư pháp có cội nguồn từ xa xưa, từ những nét chữ Cổ khắc trên xương thú hay mai rùa gọi là “giáp cốt văn” ngày càng biến hóa đa thức, mang những vẻ đẹp cao quí thể hiện phong độ, tính tình và cả khí phách người viết. Qua nét bút lông khi thì nghiêm nghị, đĩnh đạc, khi thì gân guốc, kiên cường, có khi lại như rồng bay, phượng múa hoặc phất phơ, phóng túng như ngọn cỏ trước gió, thư pháp Trung Hoa không chỉ sớm chinh phục giới nho sĩ trí thức tại mấy nước lân bang như Triều Tiên, Nhật Bản, Việt Nam, mà còn được ngưỡng mộ ở cả nhiều nước phương Tây.

Tranh thủy mặc xuất hiện từ thời Chiến Quốc và phát triển rộng vào đời Hán với tích truyện huyền thoại rồi đạt đỉnh cao vào đời Đường – Tống. Đề tài xoay quanh nhân vật cung đình đặc biệt là đi sâu vào thể loại tranh sơn thủy, hoa điểu. Các triều vua đời Nguyên, Minh, Thanh đều kế thừa và phát triển tranh thủy mặc của đời Đường, đời Tống với hai lối vẽcông bút (Tỉa từng tiểu tiết bằng nét bút tinh nhọn) và tả ý (Phóng bút tung hoành) kết hợp linh diệu gây mỹ cảm khoáng đạt mà sâu sắc. Cách vẽ này đậm sắc thái Trung Hoa, sau được đề cao gọi là quốc họa.

Khám phá nghệ thuật tranh thủy mặc của Trung Hoa

Khác với tranh phong cảnh của người Châu Âu, “sông nước” trong “quốc họa” không chỉ hiện hình trong con mắt, mà nó là hiện hình cho cái sáng tạo. Nơi đây, sức sống tinh thần trỗi lên cùng sự sống mãnh liệt của non xanh, của nước biếc, đặc sắc chỉ trong một màu mực. Ngòi mực của họa gia thủy mặc lột tả đến tận cùng tư tưởng, lối sống, quan điểm nhân sinh và cả nét suy tư của con người trước tạo hóa. Bởi thế mà khi ngắm một bức thủy mặc, ta không chỉ dừng lại ở mức ngắm nghía một mảnh sơn thủy yêu kiều, mà xa hơn, đó là thưởng thức một tuyệt phẩm của tâm hồn, đại diện cho tư tưởng của cả thời đại. Vũ trụ đang xoay vần trong bức họa, và trong con người ta cũng có những mạch ngầm xúc cảm róc rách tựa nước lành tuôn khe suối như vậy.

Người Trung Hoa từ xưa đã không tách mình khỏi thiên nhiên vũ trụ, vì vậy mà họa trung hữu tình – mượn cảnh diễn tình trở thành một nghệ thuật thường thấy. Ai biết dưới những tầng tuyết trắng mênh mang kia có hay không chôn giấu một mảnh hồn thi ca dạt dào của thi Phật Vương Duy. Những chỏm núi cao chót vót ngàn năm tĩnh lặng và dòng sông lững lờ trôi kia, vẫn đang chuyển mình trong tiếng gọi của mùa xuân sắp tới… Thế giới trong tranh là cả một thế giới, nó không xa vời hiện thực nhưng đã vượt lên một tầm cao mới so với hiện thực, bởi đó là sự đột phá đầy trí tuệ.

Người phương Tây thường chú trọng và đề cao kinh nghiệm, ý chí, khả năng của mình để tiếp cận chân lý. Họ nỗ lực khám phá, thu hoạch, chiếm đoạt cái vũ trụ khách quan, cái tự nhiên và xã hội bên ngoài. Tuy nhiên, họ lại tỏ ra đối lập lạnh nhạt và ngờ vực cái vũ trụ khách quan đó. Người phương Tây vẽ tranh phong cảnh với một cái nhìn phân tích bằng thị giác và phản ánh nó bằng các yếu tố của nghệ thuật hội hoạ như đường nét, hình khối, màu sắc. Họ tả khoảng cách và tạo không gian xa gần của cảnh vật bằng cách vẽ mọi vật ở càng xa thì càng nhỏ vút về một điểm tụ ở đường chân trời, các sự vật chịu sự chi phối của ánh sáng và vờn nổi khối theo quy ánh sáng. Giá trị của nó ở chỗ làm cho người xem như được nhìn thấy cảnh thực và có sự rung động theo cảnh thực.

Khám phá nghệ thuật tranh thủy mặc của Trung Hoa

Người nghệ sĩ Trung Hoa coi tâm hồn của một người là tâm hồn của trời đất. Cái lý của một vật là cái lý chung cho cả vạn vật. Vận chuyển của một hơi thở cũng như vận chuyển của một ngày. Vì thế tranh thủy mặc không chỉ là cảnh sắc khách quan mà chính là tâm hồn, lối tư duy của tác giả. Xem tranh là qua hình tượng, cách biểu hiện khí chất khi biểu tả để thấu hiểu chính tác giả; trong đó, nó chứa đựng cả sự gửi gắm tình cảm, tâm hồn, tư tưởng của người vẽ. Cũng chính vì vậy, tranh thủy mặc không lấy lối vẽ phân tích theo cái nhìn tinh tế mô tả chi tiết cho giống với thực thu nhận qua thị giác làm trọng mà thiên về tả ý, lưu lại những hình ảnh, giữ lại cái bóng của sự vật. Họ dường như không nhìn thấy cảnh thật để sao chép nó, họ vẽ những cái tồn tại trong tình cảm của mình, do họ cảm nhận được gây cho người xem cảm giác rất xa lạ mà lại như quen thuộc tự bao giờ. Những cảm xúc đó được chuyển vào nét bút sinh động, cái nồng ấm, sống động vào khí vận của đường bút, cái cao siêu, cái lưu chuyển qua sự tương quan của thực hư, của ý tưởng trong biểu hiện. Thông qua tranh thủy mặc, người nghệ sĩ Trung Hoa muốn gửi gắm vào trong đó tâm trạng của mình trước cuộc đời. Cảnh chỉ là một đối tượng để tác giả mượn cớ nói về cái tâm hồn của mình một cách tế nhị. Giá trị của nó không chỉ ở cảnh sắc của tranh mà thông qua bức tranh còn thấy cả tâm hồn của tác giả.

Tranh thủy mặc tồn tại với bề dày lịch sử, trải qua nhiều triều đại phong kiến, tuy có những giai đoạn thăng trầm nhưng phải nói loại tranh thủy mặc đã có một mạch đập xuyên suốt lịch sử tồn tại chưa hề gián đoạn kể từ Hán – Tuỳ – Đường – Tống – Nguyên – Minh – Thanh vẫn tiếp tục kế thừa và phát huy cao độ, cho nên tranh thủy mặc là một loại hình hội hoạ dân tộc nằm trong hệ thống tranh quốc họa được hun đúc từ truyền thống văn hoá, tư tưởng phương Đông đặc sắc.

CHỦ ĐỀ VÀ PHONG CÁCH NGHỆ THUẬT RIÊNG CỦA TRANH THỦY MẶC

Tranh thủy mặc là loại hình phát triển cùng với nghệ thuật thư pháp Trung Hoa. Các chủ đề chính trong tranh thường là cây cối, hoa, phong cảnh, chim thú, người… và thường kèm theo thơ chữ Hán. Đó là một phong cách cổ điển của người phương Đông nói chung. Loại tranh này thời xưa cũng phổ biến ở Nhật Bản, Việt Nam và Triều Tiên.

Tranh thủy mặc sở hữu một phong cách nghệ thuật rất riêng, là sự tổng hợp giữa thơ, thư, họa và triện ấn.

NHỮNG YÊU CẦU CỦA TRANH THỦY MẶC

Công cụ chuyên dùng

Thủy mặc, từ ngàn năm nay đã được coi là quốc họa của Trung Quốc. Được vẽ bằng bút lông, dùng thuốc nước hoặc mực nho trên giấy xuyến chỉ (loại giấy làm thủ công nhưng rất cao cấp, trắng, mịn, chứ không phải hơi vàng ngà và sần như giấy dó của tranh Đông Hồ), họa sĩ vẽ thủy mặc phải hơn cả một võ sư: tích đủ nội công lại đầy cảm xúc, ý tưởng rồi mới hạ bút, vì đặc điểm của giấy xuyến chỉ là rất thấm mực, bút vẽ nét nào ăn nét ấy, không thể sửa chữa. Sắc màu của mực đậm hay nhạt tùy vào nét bút đưa đường nét và tạo hình thế nào, tạo ra thay đổi bất ngờ. Cây bút lông và nghiên mực nho có sức biểu hiện to lớn, đưa người xem vào góc độ thẩm mỹ tao nhã. Vì vậy mà hai chữ bút mực không chỉ là những công cụ và phương tiện trong thư pháp và hội họa mà cũng chính là từ gọi thay cho nghệ thuật thư pháp hội họa.

Khám phá nghệ thuật tranh thủy mặc của Trung Hoa

Muốn có một tác phẩm tranh thủy mặc tốt, điều kiện trước tiên là công cụ phải tốt. Công cụ vẽ bao gồm: giấy, bút, mực, nghiên, gọi nôm na là “văn phòng tứ bảo”. Trước hết, phải biết chọn cọ vẽ, bút lông loại cứng hay loại mềm, tùy thuộc đối tượng vẽ, ví dụ: phác thảo trúc và lan, dùng bút lông sói, khi nhuộm màu chọn bút lông dê, dùng cọ cứng để vẽ sơn thủy, rễ cây. . . Giấy xuyến chỉ là giấy vẽ ăn ý điều hòa với mực, tạo sức lan tỏa theo ý muốn đi bút tạo hình của tác giả. Mực tốt phải nhuyễn, khi hòa với nước thể hiện 7 màu đen đậm nhạt sáng tối rất đa dạng. Nghiên tốt giúp mài mực thật nhuyễn, tránh cặn và không mau khô. Chất lượng của giấy, bút, mực, nghiên là cơ sở tiền đề giúp cho họa sĩ thể hiện độ sâu của tác phẩm. Tuy nhiên, đối với người mới học vẽ, thì không cần yêu cầu quá cao về công cụ nêu trên.

Bút pháp

Kỹ thuật cầm bút, xử lý màu sắc, đòi hỏi đôi tay họa sĩ luôn nhịp nhàng, uyển chuyển khi thể hiện nội dung tác phẩm. Những đường nét uyển chuyển mềm mại, bay bướm, đậm nhạt theo cảm xúc và ý tưởng cấu trúc nội dung của tác phẩm đã tạo nên bức tranh sống động phóng khoáng, khó có loại tranh nào sánh được. Đó chính là đặc trưng, sắc thái riêng của tranh thủy mặc. Cho nên, yêu cầu trước tiên và căn bản đối với người mới học vẽ chính là tinh thần chịu khó khổ luyện.

Khi vẽ tranh thủy mặc đòi hỏi người họa sĩ phải thuần thục trong các thao tác từ việc điểm mực nhiều hay ít, kết hợp với sự linh hoạt của các ngón tay trên bàn tay để đưa cánh tay nhịp nhàng lên xuống nhanh chậm, tạo ra những đường nét đậm nhạt, cấu trúc hình khối đa dạng. Vận dụng cọ bút với nhiều góc độ biến hóa khác nhau như đứng thẳng cọ, để nghiên cọ, xoay cọ… tạo nên đường nét sống động và tự nhiên, nói nôm na là “Trong cọ có cọ” “Bút chưa tới ý đã tới”… Sự kết hợp ấy thể hiện kỹ năng, kỹ xảo điêu luyện, tận dụng ánh sáng học, màu học, lập thể học, lột tả ý tưởng nội dung sâu sắc, tinh thần Thiền học của tác giả. Nếu biết tận dụng hình ảnh không gian, với bút pháp nhịp nhàng, thơ mộng, uyển chuyển, khai thác tốt bản năng công cụ chuyên dùng, sẽ cho ra hiệu quả ấn tượng thần kỳ. Ví dụ như: tác giả không hề vẽ nước, nhưng người xem vẫn cảm thấy nước đang chảy, hoặc tưởng tượng ra mây bay và thác gầm…

Bố cục

Bố cục của tranh hết sức công phu, mức độ tụ (nhiều) thư (ít) giữa chủ cảnh và phối cảnh, phải phân bố thật khéo léo, thẩm mỹ, bố trí vị trí phù hợp, giữ cho tổng quan cảnh vật trong tranh được cân bằng, không quá dày hoặc quá thưa. Trình bày một bài thơ bằng thư pháp bên cạnh tranh cũng phải cân nhắc, chỉ dùng khi bình diện tranh hơi trống, lạc khoản và dấu ấn khi được tác giả bố trí khéo léo, cũng làm tăng thêm giá trị nghệ thuật cho tranh thủy mặc.

Tranh thủy mặc đồng hành với “thơ, thư, họa, ấn”, tác giả phải biết lúc nào chỗ nào nên có thơ bên cạnh, điểm xuyến thêm dòng thư pháp, đóng một dấu gây ấn tượng. “Thơ là ý của tranh, thư pháp là cốt của tranh”, qua thơ, thư và dấu ấn, tác giả bày tỏ hài bảo qua kỹ thuật nhuần nhuyễn, gửi gắm lý tưởng cao cả qua tranh, thổi hồn vào tranh, đó chính là những giá trị nghệ thuật của tranh thủy mặc.

Khám phá nghệ thuật tranh thủy mặc của Trung Hoa

Họa sĩ phải kiên trì tu dưỡng tâm hồn và đạo đức

Bút pháp, bố cục, dùng mực, màu sắc, tinh thần là “Ngũ tuyệt”, quyết định đẳng cấp của bức tranh thủy mặc, với bút pháp điêu luyện, hình khối sinh động, màu mực điều hòa, tạo nên không gian và cảnh vật với mức độ đậm nhạt, bóng tối, cảnh vật tụ thư đa chiều… tác giả sẽ thổi hồn vào tranh, chia sẻ tình cảm nghệ thuật cho người xem. Vì tranh thủy mặc là nền nghệ thuật kết hợp giữa thần và sắc, giữa hình thức và nội dụng, gửi gắm tâm hồn ý tưởng qua cảnh vật hình khối… Muốn tác phẩm có bề dầy và chiều sâu, đòi hỏi người họa sĩ phải siêng năng tu dưỡng không chỉ về kỹ thuật, kỹ xảo tạo hình cầm bút, mà còn phải có chiều sâu tâm hồn, đạo đức cao thượng. Chỉ có kết hợp chặt chẽ cả hai mặt, tác giả mới đủ tài năng và tư duy nghệ thuật cao để sáng tạo tác phẩm vừa sống động, tự nhiên về cảnh vật, vừa mang đến cho người xem cảm xúc sâu sắc hơn về khí phách, ý chí, kiến thức và tinh thần tiềm ẩn trong tranh.

Khổ công rèn luyện và tu dưỡng của người họa sĩ không bao giờ uổng công, tâm hồn chân thiện mỹ của tác giả sẽ bật dậy trong tranh theo năm tháng. Khi ấy dù chỉ một vài nét chấm phá, vẫn có thể ra đời một bức tranh cao siêu.

PHẢI THƯỞNG THỨC TRANH THỦY MẶC NHƯ THẾ NÀO?

Muốn thưởng thức và đánh giá một bức tranh thủy mặc, chạm trán trước tiên với người xem là màu sắc và cảnh vật trong tranh, tất nhiên đòi hỏi kỹ thuật, kỹ xảo của tác giả trình bày sao cho vẽ cái gì giống cái đó như núi cao thì hùng vĩ, con vật thì khả ái, hoa lá thì tươi đẹp… Tuy nhiên tác giả còn phải có bút pháp nghệ thuật, nhằm lột tả ngụ ý sâu xa, giúp người xem khám phá và cảm nhận dần dần được tinh, khí, thần sâu lắng nội tại của bức tranh. Ví dụ, cây trúc (khúc mắt, thẳng đứng) biểu trưng của khí tiết khiêm tốn, bất khuất cao thượng của người quân tử; hoa mẫu đơn (vốn chỉ dành cho vua chúa) đại diện mơ ước cho giàu sáng phú quý…

Khám phá nghệ thuật tranh thủy mặc của Trung Hoa

Tranh thủy mặc có sức hấp dẫn thuyết phục lòng người vì nó làm đẹp cuộc đời, phản ánh hiện thực khách quan của tự nhiên và cuộc sống xã hội một cách sâu sắc và tinh tế. Tranh thủy mặc từ xưa đã đi vào cuộc sống và bản thân nó nổi lên những cảm xúc yêu quý thiên nhiên, phản ảnh sự vui buồn của cuộc đời. Khi tác phẩm có tính triết lý về cuộc đời, về thiên nhiên, thì dù đó là phong cảnh bốn mùa: xuân hạ, thu, đông; đàn ngựa, đôi hạc, cây tùng, hoa cúc, hoa hồng, hoa mẫu đơn… cũng sẽ trở nên đa dạng xuất thần, thu hút và cảm động lòng người.

HAI TRƯỜNG PHÁI TRANH THỦY MẶC

Thể theo lối vẽ và phong cách hội họa, chia tranh Trung Hoa làm 2 dạng: tranh màu tả thực và tranh thủy mặc ngụ ý với những nét chấm phá truyền thần.

Tranh tả thực (Tề tất họa), tức lối vẽ hết sức chi tiết sát với cảnh thực, ở Việt Nam gọi là công bút. Bút pháp này tế nhị gọn ghẽ với những đường nét giàu sức thể hiện, phác họa nên giàn khung của cảnh vật, trong quá trình này HS hết sức chú trọng từng bộ phận chi tiết của cảnh vật sau đó tiến hành tô màu. Phẩm màu tươi đậm dùng cho lối hội họa này phần nhiều là các loại chất khoáng vì thế mà qua nhiều năm bảo tồn, màu sắc vẫn tươi rói. Loại tranh này đẹp mắt, hào hoa, có giá trị trang trí, bề thế, nên trong lịch sử Trung Hoa, nhiều họa sĩ cung đình đều áp dụng lối vẽ này để thể hiện sự quý phái của triều đình.

Tranh thủy mặc ngụ ý (Thô tất họa), đường nét giản đơn, phác họa nên chất liệu và ngụ ý của cảnh vật. Thường vẽ phong cách này là Họa sĩ Tề Bạch Thạch (thế kỷ 19), vẽ tôm, cá, cực siêu, sống động và Họa sĩ Từ Bi Hồng (thế kỷ 20) với những bức vẽ về ngựa trình độ bậc thầy “thiên hạ vô địch”. Cả hai ông đều có bảo tàng cá nhân ở Thủ đô .

Khám phá nghệ thuật tranh thủy mặc của Trung Hoa

Họa phái này không nhấn mạnh cảnh vật trong tranh có sát đúng với đối tượng được miêu tả hay không, mà áp dụng rộng rãi các thủ pháp: khái quát, khuếch đại, vận dụng suy tưởng với mức độ lớn nhất, gửi gắm tình cảm, cá tính của mình vào đối tượng được phác họa. Tác phẩm dạng này mang tính tức cảnh, tùy hứng, nhấn mạnh hiệu quả bất ngờ, ngẫu hợp, vì thế nhiều tác phẩm này không dễ sao lại. Tranh truyền thống gắn với thơ từ, lời đề, chữ khắc cổ – hình thức thể hiện tổng hợp của nhiều loại hình nghệ thuật: thơ, thủ pháp tranh họa, in ấn, cơ bản chỉ sử dụng mực đen hay màu thanh nhạt. Phong cách thanh tao, nhã nhặn, chủ đề của những hình thức hội họa này là non nước, hoa cỏ, chim muông không chỉ theo đuổi sự tinh tế, chuẩn xác của đối tượng được miêu tả mà thường hay “phóng bút” đi theo cảm giác, nhấn mạnh cái chất liệu tinh thần của vật và cảnh. Đối ứng với tranh thủy mặc là loại tranh lên màu tả thực. Dạng này thường áp dụng đường nét phác họa một cách chuẩn xác đối với cảnh vật, hay đi sâu vào miêu tả một cách chi tiết, sau đó sử dụng màu sắc diêm dúa, nồng đậm để tăng ấn tượng… Phong cách dạng tranh này tinh tế, chuẩn xác, toát lên ý vị quý phái, bề thế, được các họa sĩ phái cung đình tôn sùng.

Khi trở về với nghệ thuật cổ xưa, chúng ta luôn được đắm chìm trong một sắc thái say mê, cuốn hút bởi vẻ đẹp của giá trị đạo đức cao cả và cảnh giới tư tưởng thâm sâu mà các cố danh họa thể hiện qua những tác phẩm, những nét bút để đời. Nghệ thuật chính là sự mô phỏng đỉnh cao của tư tưởng và trí huệ của người nghệ sĩ.

Một bức họa đẹp không chỉ nằm ở màu sắc, cảnh vật hay nét họa điêu luyện, mà cao hơn hết chính là giá trị nghệ thuật ẩn sau mỗi tác phẩm, nó không đơn thuần là yếu tố “mỹ” của góc họa, mà còn là vẻ đẹp vĩnh hằng của một cảnh giới tư tưởng thăng hoa.

Trên đây là một vài nét về nghệ thuật tranh thủy mặc của Trung Hoa. Nếu du khách là người yêu thích nghệ thuật và muốn khám phá nhiều hơn về nền hội họa tinh túy của vùng đất này thì đừng chần chờ mà hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc nhé!

Thông tin bài viết được thu thập và tổng hợp từ Nguồn Internet chỉ mang tính chất tham khảo.

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 20:24:28

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Văn hoá - Con người,
Top