Ngành Tài chính – Ngân hàng thương mại và Tài chính công khác nhau như thế nào?

Hiện nay, tại các trường đại học, mỗi ngành học được phân ra thành nhiều chuyên ngành có tên na ná nhau. Vì thế, nhiều thí sinh khá bối rối khi đứng trước lựa chọn ngành nghề để học. 

Ngành Tài chính - Ngân hàng thương mại và Tài chính công khác nhau như thế nào?

Trường Đại học Thương mại hiện nay là một trong những trường đào tạo nhóm ngành kinh tế, ở khu vực phía Bắc. Mỗi ngành của trường lại chia thành các chuyên ngành có tên gọi gần gần nhau nên thí sinh rất khó phân biệt khi lựa chọn đăng ký.

Bạn Duy Đức (Bắc Ninh) đặt câu hỏi: “Theo em được biết hiện trường Đại học Thương mại đang đào tạo 2 chuyên ngành thuộc ngành tài chính – ngân hàng là Tài chính – Ngân hàng thương mại và Tài chính Công. Tuy nhiên em vẫn chưa hiểu rõ về hai chuyên ngành này, mong thầy cô giải đáp giúp em điểm khác biệt của hai chuyên ngành này”?

Theo PGS.TS Lê Thị , Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, trường Đại học Thương mại cho hay:

Đối với chuyên ngành tài chính ngân hàng thương mại:

Sinh viên được học các môn học chuyên ngành về tài chính, tiền tệ, hoạt động kinh doanh của Ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, bảo hiểm, quản trị tài chính doanh nghiệp, quản trị các tổ chức tài chính phi ngân hàng,…

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp: có thể làm việc trong các ngân hàng thương mại, công ty chứng khoán, công ty bảo hiểm, các tổ chức tài chính phi ngân hàng khác; có thể làm việc ở bộ phận quản lý tài chính trong các doanh nghiệp, các tổ chức kinh doanh; sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên có thể trở thành nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu, giảng viên trong các trường đại học.

Đối với chương trình đào tạo cử nhân Tài chính công:

Sinh viên được học các kiến thức về tài chính công, thuế, quản lý ngân sách nhà nước, quản lý tài chính các đơn vị thuộc khu vực công, quản lý an sinh xã hội, nghiệp vụ kho bạc nhà nước, bảo hiểm xã hội…

Cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp: có thể làm việc trong các cơ quan quản lý tài chính chuyên ngành như: Thuế, Hải quan, Kho bạc nhà nước, Bảo hiểm xã hội,…; có thể làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp, các đơn vị thuộc khu vực công; có thể làm việc trong các tổ chức phi chính phủ khu vực công; sinh viên tốt nghiệp loại giỏi trở lên có thể trở thành nghiên cứu viên trong các viện nghiên cứu, giảng viên trong các trường đại học.

Bạn Bật Cường Hải Dương lại muốn biết sự khác biệt của hai chuyên ngành cùng thuộc ngành là Chuyên ngành Marketing Thương mại và Chuyên ngành Quản trị thương hiệu cũng do trường ĐH Thương mại đào tạo.

Theo PGS.TS Lê Thị Thanh Hải, chuyên ngành Marketing Thương mại và Quản trị Thương hiệu cùng thuộc về ngành đào tạo marketing. Vì vậy học tập ở hai chuyên ngành này toàn bộ các kiến thức kỹ năng và năng lực của ngành marketing đều được học và đào tạo, cụ thể nghiên cứu thị trường, khách hàng, tham gia xây dựng kế hoạch marketing, kế hoạch marketing, kênh phân phối… Giữa 2 chuyên ngành khác biệt ở đào tạo phần kiến thức, kỹ năng và năng lực chuyên ngành chiếm 30%.

Với Marketing Thương mại phần chuyên ngành được đào tạo về làm marketing thương mại trong kinh doanh tới khách hàng tổ chức và khách hàng cá nhân, trong Quản trị Thương hiệu học về quản lý và phát triển thương hiệu trong các đơn vị doanh nghiệp. Nên khác biệt ở phần ở đào tạo phần kiến thức, kỹ năng và năng lực của chuyên ngành được học tập và đào tạo.

Một thí sinh khác phân vân muốn đăng ký ngành du lịch do trường Đại học Thương mại đào tạo, nhưng hiện chưa nắm rõ được 2 chuyên ngành thuộc khoa Khách sạn Du lịch của trường là Quản trị Khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành có những điểm khác biệt nào.

Trả lời về nội dung này, PGS.TS Lê Thị Thanh Hải thông tin Khoa Khách sạn Du lịch của trường Đại học Thương mại đang đào tạo hai chuyên ngành là Quản trị khách sạn và Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, với hai chương trình đào tạo cho mỗi chuyên ngành là chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù.

Đối với chuyên ngành Quản trị Khách sạn, Khoa tập trung đào tạo các môn đặc thù như quản trị lễ tân khách sạn, quản trị buồng khách sạn, quản trị nhà hàng và dịch vụ ăn uống… Đối với chuyên ngành Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, SV sẽ được học các học phần quản trị tác nghiệp doanh nghiệp lữ hành, hướng dẫn du lịch, tài nguyên du lịch, văn hóa du lịch…

Đối với hai chương trình đào tạo là chương trình đào tạo đại trà và chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù thì mỗi chương trình đào tạo sẽ có những đặc điểm riêng và phù hợp với từng đối tượng người học. Điểm khác biệt lớn nhất đó là chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù có 50% thời lượng đào tạo tại doanh nghiệp.

Ngoài ra, số lượng tín chỉ thực tế đối với chương trình đào tạo theo cơ chế đặc thù cũng nhiều hơn so với chương trình đào tạo đại trà. Vì vậy, việc lựa chọn giữa hai hệ đào tạo này phụ thuộc vào nhu cầu cũng như khả năng của người học.

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 24-08-2021 15:15:00

Danh mục đăng tin:Định hướng ngành học,
Top