Ghé Thành Đô – thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên cay miệng, thích tai

Ghé Thành Đô – thủ phủ tỉnh nổi tiếng khắp Trung Quốc về lối sống thoải mái, thư nhàn, người mê ăn ớt (như tôi) tất được hoa mắt và sướng tê lưỡi với những món cay như đậu phụ Tứ Xuyên, bánh bao nhân thịt rưới ớt xào, mì đam-đam…
Ghé Thành Đô - thủ phủ tỉnh Tứ Xuyên cay miệng, thích tai

Còn những ai đê tê mê khi đôi tai của mình nhận được thú chọc ngoáy,  cũng  được thỏa mãn  nếu bỏ ra vài  chục đồng Nhân dân tệ để người ta gỡ lấy ráy tai cho. 

“Trăm món, món nào cũng đỏ lựng những ớt/ Sướng rùng mình khi được chọc ngoáy… tai”.

Buổi tối đầu tiên tới Thành Đô, lang thang khu du lịch nổi tiếng Ngõ lớn Ngõ nhỏ (Wide and Narrow Alleys), nơi có các con ngõ được tái dựng và các tòa nhà xây theo kiểu thời nhà Thanh, thứ ánh sáng và cảnh “dẫn dụ” làm tôi ngạc nhiên nhất chính là từ chỗ những người lấy ráy tai thuê.

Thú vui lấy ráy tai ở khu Ngõ lớn Ngõ nhỏ
Thú vui lấy ráy tai ở khu Ngõ lớn Ngõ nhỏ

Tôi nhớ ngay tới hai món dùng để ngoáy tai bằng bạc 925 và sừng của mình có một đầu được đập dẹp lõm xuống trông như cái muỗng tí hon để nạo  ráy tai. Và những lọ tăm bông mềm mịn.

Lấy ráy tai là một việc vệ sinh cơ thể, với tôi, rất cá nhân; nên  thấy hơi kỳ kỳ khi nhìn những người đàn ông, đàn bà khoan khoái lim dim mắt xoải chân dựa lưng nhàn nhã trên những chiếc ghế bành trong khi người lấy ráy tai  chọc ngoáy tai của họ. Nhưng đây là Thành Đô.

Bánh bao, đậu phụ cay
Bánh bao, đậu phụ cay

“Với người Trung Quốc, lấy ráy tai, tắm, massage chân là ba phương pháp truyền thống giúp sống lâu khỏe mạnh. Ở Thành Đô, lấy ráy tai là một nghề truyền thống địa phương độc đáo được cho là có từ thời nhà Tống (960-1279).

Những người làm nghề này đa phần là đàn ông. Lấy ráy tai cải thiện sức khỏe vì kích thích các huyệt đạo trong lỗ tai. Khách hàng lấy ráy tai hơn một nửa là dân du lịch. Cô đã thử thú vui massage tai này chưa?” – cô bé nhân viên khách sạn tôi tạm ở mấy ngày ở Thành Đô – lúc sau này có hỏi tôi như vậy.  

Thịt bò khô cay xé lưỡi
Thịt bò khô cay xé lưỡi

Ngoài Ngõ lớn Ngõ nhỏ, buổi chiều trong khuôn viên Nhà lưu niệm Đỗ Phủ, tôi cũng thấy được những vẻ mặt sướng khoái của một vài thanh nữ khi hưởng thú vui  lấy ráy tai.

Kiếm một chỗ ngồi và tôi quan sát. Mỗi chu trình cũng hết  gần 30 phút, ít gì.

Đồ nghề của thợ lấy ráy tai gồm hàng chục loại: Nhíp, đèn pin đội đầu, cọ (sau này hỏi rõ biết là lông ngỗng), kẹp, lông ngựa, dao cạo tai, tăm bông, cồn, oxy già…

Ốc xào cay
Ốc xào cay

Cả chục món dùng để gẩy, gỡ, gắp ráy tai, làm vệ sinh sạch sẽ lỗ tai cho khách. Âm thanh vui tai là tiếng lanh canh vang ra từ một chiếc nhíp gắp dài – món đồ nghề chính.

Trứng vịt bắc thảo phủ ớt xanh
Trứng vịt bắc thảo phủ ớt xanh

Hai công đoạn khiến khách hình như sướng khoái nhất là khi ông thợ, sau khi lấy hết ráy tai, đưa sâu cọ lông ngỗng vào hốc tai khách, xoay nhẹ vài lần, tiếp đến sau khi đưa cái nhíp vào, ông đập đập cho hai lưỡi nhíp rung lanh canh rồi chạm phần nhíp đang rung rung vào que thép gắn lông, que này rung nhè nhẹ…

Ba chỉ quấn cải cay
Ba chỉ quấn cải cay

Khuôn mặt khách lúc đó, đúng là “giãn nở toàn phần” ra vì thích.

Có cô gái, trong khoảnh khắc hưởng thú vui cọ lông ngỗng xoay xoay trong tai, bèn chìa bàn tay ngọc ngà cho bà mẹ; bà mẹ hiểu ý, liền buông điện thoại, chạy đến ngồi bên cạnh, ân cần nhẹ nhàng xoa bóp những ngón tay thon.

Thật đúng là mẹ cưng chiều con quá đỗi!

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 30-08-2021 18:47:39

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Du lịch Trung Quốc,
Top