Tiêu chuẩn tuyển chọn phi tần và quy trình lễ sách lập của Nhà Thanh

TIÊU CHUẨN TUYỂN CHỌN PHI TẦN CỦA NHÀ THANH

Có hai tiêu chuẩn được triều đình Nhà Thanh công khai: Thứ nhất là phẩm đức, thứ đến là môn đệ (xuất thân). Mọi người đều biết, Hoàng hậu Long Dụ của Hoàng đế Quang Tự diện mạo xấu xí, nhưng là cháu gái của Thái hậu Từ Hi nên được chọn lên ngôi Hoàng hậu; còn Trân Phi mới là người phụ nữ được Quang Tự coi là hồng nhan tri kỷ. Cha Trân Phi là Trường Thuật, quan Hữu Thị lang bộ Hộ, ông nội Túc Thái là Tổng đốc Thiểm Cam (về sau Trân Phi bị Từ Hi ghét bỏ, khép tội rồi giết bằng cách quẳng xuống giếng).

Những quy định rắc rối

Hậu cung nhà Thanh, trên tới Hoàng hậu, dưới đến cung nữ đều được tuyển lựa trong số phụ nữ ở các “kỳ”. Chế độ tuyển phụ nữ từ các kỳ đưa vào cung cũng là sự độc đáo riêng của nhà Thanh.

Thanh Thái tổ Nỗ-nhĩ-cáp-xích trong quá trình thống nhất nộ tộc Nữ Chân đã lập ra chế độ Bát kỳ. Chế độ này được lập ra trên cơ sở tổ chức hội đi săn của người Nữ Chân, là chế độ hợp nhất quân đội với chính quyền với chức năng hành chính, quân sự, sản xuất.

Lấy 4 màu Vàng, Trắng, Đỏ, Xanh lam làm tiêu chí chính, tổ chức thành 8 kỳ, gồm 4 màu trên và thêm vàng nhạt, đỏ nhạt, xanh nhạt, xám bạc. Sau khi người Mãn Thanh vào chiếm cứ Trung Nguyên lại có sự phân biệt giữa Bát kỳ Mãn Thanh với “Bao y Tam kỳ” trong phủ Nội Vụ, (bao gồm 8 kỳ Mãn Châu, 8 kỳ Mông Cổ và 8 kỳ người Hán, tổng cộng 24 kỳ) nhưng với địa vị khác nhau.

Tiêu chuẩn tuyển chọn phi tần và quy trình lễ sách lập của Nhà Thanh

Các cô gái của cả 3 loại 8 kỳ này đều được gọi là Tú nữ, đều có thể được tuyển chọn để tiến cung, nhưng phương pháp tuyển chọn và địa vị của họ trong cung khác xa nhau. Cứ 3 năm tuyển chọn một lần Tú nữ bát kỳ Mãn Thanh đưa vào cung. Việc tuyển chọn do Bộ Hộ chủ trì, mục đích tuyển hậu, phi, tần cho hoàng đế hoặc gả cho tôn thất (họ 3 đời, có quan hệ huyết thống gần gũi với nhà vua).

Việc tuyển Tú nữ trong số “Bao y Tam kỳ” thì được tiến hành mỗi năm 1 lần, do phủ Nội vụ chủ trì đối tượng là con cái các quan; tuy một số cô trúng tuyển dần được phong làm phi tần, nhưng cũng chỉ là những tạp dịch hậu cung chứ không được hưởng địa vị như Tú nữ của Bát Kỳ Mãn Thanh. Đến thời kỳ cuối nhà Thanh, con cái của “Bao y Tam kỳ” ứng tuyển không được gọi là “Tú nữ” nữa, mà là “Bao y Tam kỳ sứ nữ”, tuyển vào làm cung nữ. Vì thế, có thể nói chỉ có các con em của Bát kỳ Nữ Chân xưa mới có cơ hội trở thành hoàng hậu hay phi tần nhà Thanh.

Mục đích tuyển chọn Tú nữ, ngoài việc bổ sung cho hậu cung của hoàng đế, còn nhằm giải quyết chuyện hôn nhân cho con em hoàng thất, biến họ trở thành vợ của các thân vương, quận vương và con cái họ, nên rất quan trọng. Các Tú nữ muốn được vào bên trong bức tường cao ngất của Tử Cấm Thành cũng không đơn giản, mà phải trải qua mấy vòng sát hạch.

Trước hết, phải thẩm tra, xác minh về “kỳ thuộc” (lai lịch thuộc kỳ nào) và tuổi tác. Nếu không nằm trong kỳ mà muốn tham gia tuyển Tú nữ thì “khó như lên trời”; nếu là người trong kỳ mà định trốn tuyển chọn tú nữ cũng tự chuốc họa vào thân. Triều vua Thuận Trị quy định: phàm là con gái các quan chức bát kỳ, quân lính, nhà tráng đinh trong độ tuổi từ 14 đến 16 đều phải tham gia tuyển Tú nữ 3 năm/lần, từ 17 tuổi trở lên không cần tham gia.

Không tham gia dự tuyển, đừng hòng lấy chồng

Năm Càn Long thứ 5 (1740) lại quy định thêm: nếu phụ nữ thuộc kỳ trong độ tuổi vì nguyên nhân nào đó mà chưa tham gia dự tuyển thì phải tham gia trong khóa tiếp theo. Các phụ nữ nào chưa qua dự tuyển, dù ngoài 20 tuổi cũng không được phép cưới gả; nếu vi phạm thì trưởng quan hành chính cao nhất của kỳ đó sẽ tiến hành xem xét, trừng phạt.

Một năm sau ngày ban bố sắc lệnh này, Tổng đốc Mân Chiết là Đức Bái dâng lên bản tấu, thỉnh cầu hoàng đế Càn Long cho phép con trai Hằng Chí 17 tuổi của mình kết hôn với con gái Tổng đốc Lưỡng Quảng Mã Nhĩ Thái, nhưng con gái Mã Nhĩ Thái chưa tham gia tuyển tú nữ.

Càn Long nổi giận lôi đình, lập tức lệnh cho Đức Bái phải lên kinh sư, trách mắng trước quần thần, đồng thời nhấn mạnh: “Triều ta đã quy định, Tú nữ bát kỳ, phải qua dự tuyển mới được phép cưới gả; phàm người các kỳ đều phải kính cẩn tuân theo…”.

Tiêu chuẩn tuyển chọn phi tần và quy trình lễ sách lập của Nhà Thanh

Càn Long nêu 3 lý do của việc tuyển chọn Tú nữ: Thứ nhất, 3 năm 1 lần tuyển Tú nữ là nhằm chọn vợ cho các vương và hoàng tử, không phải chỉ nhằm bổ sung hậu cung cho hoàng đế; nếu vì không dự tuyển mà ông phá vỡ hôn nhân của người khác thì cũng chỉ nhằm bảo vệ định chế triều đình, trách nhiệm thuộc về người vi phạm chứ không thuộc về hoàng gia; thứ ba, dù có phải chờ đợi 2-3 năm để được tham gia dự tuyển thì người con gái cũng chỉ 16 – 17 tuổi, không sợ lỡ làng cả đời.

Rồi ông ra lệnh cho Bộ Hộ: “Bộ Hộ truyền dụ Bát kỳ, tất cả những phụ nữ chưa qua dự tuyển tú nữ đều không được đính hôn, phải tuân thủ quy định sau khi tuyển tú nữ mới được đính hôn, cưới gả”. Năm Càn Long thứ 20 (1755) ông lại bổ sung quy định: những phụ nữ dù đã kết hôn với các vương tôn công tử của hoàng gia nhưng chưa tham gia tuyển chọn tú nữ thì nhà mẹ của họ sẽ bị xử trốn tránh tuyển Tú nữ theo .

Về độ tuổi tham gia tuyển Tú nữ, theo hồ sơ nhà Thanh, thời Quang Tự tuổi thấp nhất là 11, lớn nhất là 20. Mỗi khi đến kỳ tuyển chọn Tú nữ, Bộ Hộ dâng tấu lên hoàng đế, sau khi được chỉ dụ cho phép lập tức gửi văn thư đến nha môn đô thống Bát kỳ, các trưởng quan các cấp ở cơ sở sẽ báo cáo danh sách các thiếu nữ trong độ tuổi lên nha môn đô thống Bát kỳ tổng hợp, cuối cùng Bộ Hộ báo cáo lên hoàng đế rồi hoàng đế quyết định thời gian tổ chức tuyển lựa.

Những thiếu nữ bị bệnh, quá xấu, không thể tham gia dự tuyển cũng phải thông qua xác nhận, thẩm định, báo cáo rõ lý do từ cơ sở để đô thống Bát kỳ báo cáo lên Bộ Hộ, Bộ Hộ tấu trình hoàng đế, sau khi được phê duyệt mới được miễn trừ nghĩa vụ dự tuyển và được phép tự do cưới gả.

Không có cơ hội cho con quan nhỏ và dân thường

Các Tú nữ dự tuyển phải được đưa về kinh thành bằng xe la kéo. Do hoàn cảnh các gia đình khác nhau, nhà quan thì có xe, nhà lính, nhà đinh thì phải thuê nên Càn Long có quy định cấp cho mỗi nhà 1 lạng bạc lấy từ kho Bộ Hộ. Đến kinh, trước khi vào cung dự tuyển, các cô phải ngồi trên xe, xếp theo kỳ và theo thứ bậc.

Hàng đầu là thân nhân của hậu, phi trong cung, đến những người đã trúng tuyển kỳ trước, lần này phúc tuyển rồi đến người dự tuyển lần đầu, cũng xếp theo độ tuổi; trên mỗi xe đều treo cặp đèn và biển trên có ghi “con ông A ở kỳ X do ông Y dẫn”. Khi màn đêm buông xuống thì vào theo cửa Địa An, đến cửa Thần Võ thì xuống xe, được thái giám dẫn vào cung.

Tại các nơi Ngự Hoa viên, Tu Nguyên điện, Tĩnh Di hiên… đều là những nơi thẩm duyệt tú nữ. Thường mỗi ngày chỉ duyệt (chấm) các thí sinh của hai kỳ. Thường cứ 5-6 người xếp thành hàng để hoàng đế hoặc thái hậu tuyển chọn, cũng có khi duyệt theo tốp 3,4 người, thậm chí từng người. Nếu ưng ai thì để biển tên lại, gọi là “lưu bài tử”, ai không ưng thì gỡ bỏ luôn biển tên.

Sau vòng này đến vòng phúc tuyển, những ai được “lưu bài tử” sau 2 vòng sẽ có 2 vận mạng: hoặc là được đưa về nhà các vương công, tôn thất; hoặc giữ lại hoàng cung trở thành đối tượng để hoàng đế chọn làm phi hoặc tần. Những người được giữ lại cung còn phải trải qua những thủ tục rất phức tạp, chỉ một số rất ít được may mắn.

Nhắc đến tên “Tú nữ” nhiều người chắc nghĩ toàn là những cô gái đẹp “trầm ngư lạc nhạn”, nhưng không phải. Hai tiêu chuẩn triều Thanh công khai là “phẩm đức” và “môn đệ”. Hiện vẫn còn lưu giữ được một văn bản liên quan đến địa vị của những thiếu nữ sau khi được tiến cung: “Ngày mồng 3 tháng 2 năm Đồng Trị thứ 11, Kính Sự phòng truyền chỉ: Con gái Công tước phong làm phi; con gái tướng quân phong làm phi; con gái tri phủ phong làm tần; con gái viên ngoại lang phong làm tần. Khâm thử!”.

QUY TRÌNH LỄ SÁCH LẬP HOÀNG HẬU VÀ PHI TẦN CỦA NHÀ THANH

Sách lập Hoàng hậu

Khi Chế lệnh hạ xuống, Lễ bộ liền tiến hành chọn ngày lành, lại thông báo cho các Ti đồng thời chuẩn bị lễ.

Trước kì hạn, Lễ bộ cùng Công bộ hợp lại chế tác sách, bảo và đem đến Nội các, quan viên Nội các sẽ viết sách văn và bảo văn. Đến kì hạn, Lễ bộ tấu thỉnh cử một Đại học sĩ làm Sách lập (Chính) sứ, một Thượng thư làm Phó sứ. Trước một ngày sách lập, khiển quan đến tế cáo Thiên, Địa, Thái Miếu và Phụng Tiên điện như lệ thường.

Tiêu chuẩn tuyển chọn phi tần và quy trình lễ sách lập của Nhà Thanh

Buối sáng ngày làm lễ, Sở ti tại bên trong, ngay chính giữa Thái Hòa điện mà đặt một cái Án, theo chiều Đông sang Tây. Bên trái, phải của điện mỗi chỗ bày một cái Án, đều chiều từ Nam sang Bắc. Sau đó, thiết đặt hai cái Long đình bên ngoài cửa Nội các, Loan Nghi vệ sẽ bày Pháp giá cùng Lỗ bộ, Nhạc bộ bày biện Nhạc huyền đều như thường lệ. Vương công đại thần, cùng các quan Kí chú, Củ nghi và Chấp sự đều mặc Triều phục, bồi vị như nghi chế thường. Quan viên Công bộ đem Tiết đến Nội các. Từ bên trong Nội các, quan viên Nội các và Lễ bộ đem Kim sách, Kim bảo cùng Tuyên đọc Sách văn, Bảo văn vào bên trong Đình. Lễ bộ Thị lang phụng Tiết, Loan Nghi giáo khiêng Đình, 10 quan thuộc Lễ bộ dẫn đầu, mang dẫn là Tán và Trượng, đến bậc thềm Thái Hòa điện. Quan viên Nội các và Lễ bộ cùng phụng Sách, Bảo theo bậc thềm đi lên, tiến vào bên trong điện, bày Tiết ở Án giữa, Sách ở Án bên trái và Bảo ở Án bên phải, sau đều lui ra. Chính sứ và Phó sứ tuyên sách phong, đều có mặt ở mặt Đông sân trì. Đại học sĩ một người, đứng ở phía mái đông của điện, xoay mặt về hướng Tây, bắt đầu tuyên chế. Một quan Hồng Lư tự đứng sau Đại học sĩ, lấy Sách, Bảo án. Quan Nội các và Lễ bộ đến dưới mái điện, phân biệt mặt hướng Đông và Tây, đều mặc Triều phục. Lễ bộ Thượng thư, Thị lang đến Càn Thanh môn báo giờ, sau đi trước dẫn đường Thánh giá. Hoàng đế mặc Lễ phục, ngồi Kiệu xuất cung, Tiền dẫn Hậu hỗ, đều như lệ thường. Ngọ Môn bắt đầu gõ trống. Đến bậc thềm sau của Thái Hòa điện, Hoàng đế xuống Kiệu, nhập điện. Trung Hòa Thiếu nhạc bắt đầu nổi lên, tấu “Long bình chi cương” (lời nhạc đều như nhạc Thường triều), Hoàng đế thăng tọa, nhạc ngừng. Loan Nghi vệ quan hô: “Minh tiên”, trong sân trì quất 3 lần roi, Hí trúc giao, Đan bệ đại nhạc đều nổi lên, tấu “Khánh bình chi cương”. Hồng Lư tự quan hô: “Tề ban, Tự ban”, dẫn Chính, Phó sứ tựu về bên Đông của sân trì bái lạy, hướng mặt về hướng Bắc, hô: “Hành tam quỵ cửu khấu lễ!”, đứng dậy, nhạc ngừng. Tự ban dẫn Chính, Phó sứ đến bậc thềm Đông, đến Đan bệ hướng mặt về phía Bắc mà đứng. Minh tán quan hô: “Hữu chế Chánh, Phó sứ quỵ”, Tuyên Chế quan đến bên trái của cửa chính chính điện, tuyên đọc chế văn: “Mỗ niên nguyệt nhật, khâm phụng Hoàng thái hậu ý chỉ, sách lập Mỗ phi Mỗ thị vi Hoàng hậu, mệnh Khanh đẳng trì tiết hành lễ”. Sau khi tuyên xong, Đại học sĩ lên cửa trái của điện, nghệ Án, phụng Tiết, theo cửa giữa mà ra, đến Đan bệ, lấy Tiết đưa cho Chính sứ, Chính sứ nhận Tiết, cùng Phó sứ lần lượt đứng lên. Quan Nội các và Lễ bộ lần lượt đến hai bên cửa trái và phải của điện, khiêng Sách, Bảo án theo cửa giữa ra khỏi. Chính sứ cầm Tiết đi trước, Phó sứ đi theo sau. Quan Nội các và Lễ bộ đem Sách, Bảo đặt vào trong Long đình, Loan Nghi giáo đi tùy theo, cách dẫn đều như cũ, theo Thái Hòa môn đi ra. Hoàng đế ban cho Vương công, Đại thần trà như lệ thường, sau đó quất roi Minh tiên, đều như cũ. Nhạc nổi lên, tấu “Hiền bình chi cương”. Hoàng đế rời bảo tọa, về cung, nhạc ngừng. Vương công, Đại thần đều lần lượt thối lui.

Tiêu chuẩn tuyển chọn phi tần và quy trình lễ sách lập của Nhà Thanh

Ngày hôm ấy, Nội Loan Nghi vệ bày biện Nghi giá của Hoàng hậu trong sân cung và ngoài cửa cung, Nội giám thiết Đan bệ nhạc bên trong cửa cung, đều như nghi thức Tam đại tiết. Thiết lập một Chính án chính giữa trong sân cung, phía Nam thiết Hương án, lần lượt hướng Đông và Tây thiết Sách án và Bảo án, lại thiết một Bái vị cho Hoàng hậu trước Hương án, hướng mặt Bắc. Nữ quan 4 người, đứng bên trái phải của Bái vị, lần lượt quay mặt về hướng Đông và Tây. Nữ quan 2 người phụ trách tuyên đọc, đứng ở phía Nam của Đông án, mặt hướng Tây. Cung điệm giám suất Nội Loan Nghi giáo đến Cảnh Vận môn. Sách phong sứ đến ngoài Cảnh Vận môn theo Hiệp Hòa Trung môn, quay mặt về hướng Tây, Chính sứ trao Tiết cho Nội giám. Nội giám nhận Tiết, Nội Loan Nghi giáo tiếp lĩnh Sách, Bảo đình đem đến ngoài cửa cung của Hoàng hậu. Đình đến, Nội giám phụng Sách, Bảo đem vào cung Hoàng hậu. Hoàng hậu mặc Lễ phục từ trong cung ra, Đan bệ nhạc tấu khúc, hai vị Nữ quan phụ trách tán dẫn sẽ nghênh dẫn Hoàng hậu đi theo Nội đạo bên phải vào trước cung. Nội giám đem Tiết đặt lên Trung án, đem Kim sách, kim bảo và Bảo văn đều đặt ở Đông án, lui. Tán dẫn Nữ quan dẫn Hoàng hậu đến Bái vị, hướng mặt Bắc đứng, nhạc ngừng. Hô: “Quỵ”, Hoàng hậu quỳ xuống, hô: “Tuyên sách”, Nữ quan phụ trách tuyên đọc tựu án, tuyên đọc sách văn, đứng ở phía Tây. Đọc xong, đưa cho Nữ quan hầu bên phải, Nữ quan quỳ xuống tiếp nhận. Hô: “Thụ sách”, Nữ quan phụng Sách đưa cho Hoàng hậu. Hoàng hậu thụ Sách, đưa cho Nữ quan hầu bên trái, Nữ quan quỳ xuống tiếp Sách, nhận xong đứng dậy, đem Sách đặt ở Tây án. Tiếp đến Tuyên bảo, Thụ bảo đều như vậy. Nhạc nổi lên, Hoàng hậu hành Lục túc tam quỵ tam bái lễ. Xong, thối lui, đứng ở phía Đông, nhạc ngừng. Nội giám tiến đến Trung án, nhận Tiết và ra khỏi cung. Tán dẫn Nữ quan đưa Hoàng hậu theo Nội đạo bên phải mà về lại trong cung. Nội giám đem Tiết đến Cảnh Vận môn trao cho Chính sứ. Chính sứ nhận Tiết, Phó sứ đi theo, đều hướng lối sau Tả môn về phục mệnh. Sách lập lễ hoàn thành. Trao lại Tiết. Hữu ti lần lượt thối lui.

Tiêu chuẩn tuyển chọn phi tần và quy trình lễ sách lập của Nhà Thanh

Sáng ngày hôm sau, Nghi giá của Hoàng thái hậu và Nhạc huyền thiết lập, Hồng Lư tự quan viên thiết lập một Tiến biểu Hoàng án bên ngoài Từ Ninh môn, quan Lễ bộ đem các Biểu chúc mừng từ Vương công, Đại thần, đều đem đặt vào Nội các. Quan viên Nội các đem Biểu đều tiến vào cung của Hoàng thái hậu. Võ Bị viện khanh tiết đặt Bái nhục của Hoàng đế ngay lối chính giữa Từ Ninh môn. Hồng Lư tự quan dẫn Vương công đến ngoài Từ Ninh môn, quan viên Nhị phẩm trở lên đến ngoài Trường Tín môn, quan viên Tam phẩm trở xuống dẫn đến bên ngoài Ngọ Môn. Lễ bộ Thượng thư tấu mời Hoàng đế đến cung Hoàng thái hậu hành lễ, Vương công và quan viên đều tùy hành. Lễ xong, Hoàng đế về cung, Vương và quan viên đều theo ra khỏi cung.

Ngày ấy, Loan Nghi vệ bày biện Pháp giá Lỗ bộ của Hoàng đế. Nhạc bộ bày biện Nhạc huyền. Hoàng đế ngự lên Thái Hòa điện, chư Vương và quan viên đều dâng Biểu, hành lễ Khánh hạ, ban chiếu tuyên kì cho cả thiên hạ biết. Cùng lúc ấy, Hoàng hậu đến cung Hoàng thái hậu hành lễ. Lễ xong, dùng Giá về cung, đến trước Hoàng đế hành lễ. Hoàng quý phi, dẫn Quý phi, Phi, Tần, Công chúa, Vương phi cùng Mệnh phụ đến trước Hoàng hậu hành lễ, đều như Tam đại tiết. (Quý nhân cùng Hoàng tử, Hoàng tôn đến cung Hoàng hậu hành lễ. Cùng lúc đó, Cung điện giám dẫn các hạng Thái giám (trong cung của Hoàng hậu) đến hành lễ. Những việc này phải do Cung điện thái giám tấu trước mới lĩnh chỉ bái.)

Sách phong Phi tần

Khi Mệnh đã hạ xuống, Lễ bộ tuyển chọn từ ngữ để soạn nội dung sách văn, Sở ti chế tác liền chuẩn bị đúc sách văn và bảo ấn đem đến Nội các để khắc chữ. Sau, Lễ bộ tấu thỉnh (xin Hoàng đế) mệnh một người Đại học sĩ (hoặc Thượng thư) sung làm Sách phong (Chính) sứ. Một Thị lang (hoặc Nội các học sĩ) sung làm Phó sứ. Trước một ngày, (Hoàng đế) khiển quan viên tế cáo Thái Miếu hậu điện cùng Phụng Tiên điện, đều như lệ thường.

Sáng sớm ngày sách phong, quan Hồng Lư tự của Lễ bộ thiết tiết án cùng sách bảo án vào trong Thái Hòa điện. Quan viên của Loan Nghi vệ thiết Thải đình bên ngoài cửa Nội các. Quan viên của Nội các cùng Lễ bộ từ trong đình viện đi ra bưng Tiết cùng sách bảo, Loan Nghi giáo đi theo, có sắp đặt người mang tán trượng dẫn đường. Quan viên Lễ bộ dẫn (những quan khác) đến bậc thềm của Thái Hòa điện, rồi cung phụng sách bảo theo Tiết đi lên, để vào từng án bên trong điện. Một Đại học sĩ, mặc Triều phục đứng ở bên Đông của Tiết án. Chính sứ cùng Phó sứ mặc Triều phục, đứng ở phía Đông đan trì, hướng mặt về phía Tây. Quan viên từ Khâm Thiên giám báo giờ lành đã đến. Chính sứ theo hướng Đông đi lên, Phó sứ đi theo, đến bệ thềm bên trái thì hướng mặt Bắc mà quỳ. Đại học sĩ đến án phụng Tiết, theo Điện Trung môn ra mà trao cho Chính sứ. Chính sứ nhận Tiết, cùng Phó sứ đứng dậy. Sở ti án đặt sách bảo theo xuống bậc thềm, thiết Đình nội và dẫn đạo đều như cũ.

Cùng ngày, Nội Loan Nghi vệ thiết lập Nghi trượng của Hoàng quý phi bên ngoài cửa cung của Hoàng quý phi, Nội giám thiết đặt Tiết án, Hương án ở trong cung, chính giữa bên trong thì thiết đặt án của sách và bảo theo tứ tự là Đông và Tây. Phong sứ sau khi thụ mệnh, theo Hiệp Hòa môn đến ngoài Cảnh Vận môn. Chính sứ hướng mặt về hướng Tây, giao Tiết cho quan Nội giám. Nội giám phụng Tiết, Nội Loan Nghi giáo dẫn Sách, Bảo đình đến cửa cung, rồi cầm sách, bảo theo người bưng Tiết vào cung của Hoàng quý phi.

Hoàng quý phi mặc Lễ phục chờ ở bên Hữu cửa cung. Nội giám phụng Tiết, Sách, Bảo đặt vào các án, sau đó lui. Hoàng quý phi bái hướng Bắc và quỳ. Nữ quan tuyên đọc sách văn, bảo văn. Hoàng quý phi cung kính nhận sách, bảo, thực hiện Lục túc tam quỵ tam bái lễ. Sau khi xong, đưa Tiết đến bên Hữu cửa cung, đều như lễ Hoàng hậu thụ sách. Nội giám cầm Tiết đến Cảnh Vận môn, giao cho Chính sứ. Chính sứ cầm Tiết, Phó sứ đi theo, đến sau tả môn chờ phục mệnh, sau đó trao lại Tiết. Hữu ti từ từ lùi xuống.

Tiêu chuẩn tuyển chọn phi tần và quy trình lễ sách lập của Nhà Thanh

Ngày hôm sau, Hoàng quý phi đến cung của Hoàng thái hậu, tiến hành Lục túc tam quỵ tam bái lễ, sau đó đến trước Hoàng đế cùng Hoàng hậu hành lễ, đều như vậy (tức là đều hành bái Lục túc tam quỵ tam bái lễ). Quý nhân cùng Hoàng tử và Hoàng tôn đến cung của Hoàng quý phi để hành lễ. Cùng lúc đó, Cung điện giám dẫn các hạng Thái giám (trong cung của Hoàng quý phi) đến hành lễ. Những việc này phải do Cung điện thái giám tấu trước mới lĩnh chỉ bái.

Trên đây là quy trình sách lập chung dành cho Hoàng quý phi đến Tần, Quý nhân trở xuống không có lễ sách phong. Những thay đổi của từng phân vị khác nhau:

* Quý phi và Phi: chế tác “Sách” và “Bảo”; riêng Phi chỉ dùng “Ấn”, quy trình còn lại đều như Hoàng quý phi. Riêng người đến lạy trước cung của Quý phi và Phi, thì chỉ có các Hoàng tử, Hoàng tôn cùng các Thái giám phục vụ trong điện sở của Quý phi và Phi.

* Tần: chỉ chế tác “Sách”; không hưởng tế cáo Thái Miếu hậu điện và Phụng Tiên điện. Những người đến lạy trước cung của Tần, chỉ có Hoàng tử do chính Tần ấy sinh ra, cùng các Thái giám phục vụ trong điện sở. Quy trình còn lại đều như trên.

Niên hiệu Sùng Đức thời Hoàng Thái Cực, sách lập Hiếu Đoan Văn hoàng hậu cùng sách phong Tứ phi là Thần phi Hải , Quý phi Na Mộc Chung, Thục phi Ba Đặc Mã Tảo và Trang phi Bố Mộc Bố Thái, Hoàng Thái Cực đã cho làm lễ Khánh hạ cho cả triều đình chúc mừng. Trong dịp ấy, Công chúa, Vương phi và Mệnh phụ nhập triều bái lạy Hoàng hậu bằng “Lục túc tam quỵ tam bái lễ”, đồng thời cũng bái lạy Tứ phi bằng “Tứ túc nhị quỵ nhị khấu lễ”. Sang thời Ung Chính, ông lập Hiếu Kính Hiến hoàng hậu và cử hành Khánh hạ, do đó Đôn Túc Hoàng quý phi Niên thị cũng được vinh dự nhận lễ từ các mệnh phụ vào triều bái. Đến triều Càn Long, lễ sắc phong của Cao thị được làm ngay lễ sách lập của Hiếu Hiền Thuần Hoàng hậu, do đó Càn Long Đế căn cứ theo tiền lệ của Đôn Túc Hoàng quý phi, cho phép Quý phi Cao thị được hưởng quy lễ nhận bái kiến của Công chúa, Thân vương Phúc tấn và Cáo mệnh phu nhân với lễ bái “Tứ túc nhị quỵ nhị khấu lễ”.

Năm Càn Long thứ 14 (1749), sách phong Nhàn Quý phi Na Lạp thị làm “Hoàng quý phi Nhiếp lục cung sự”, nghi thức (đều như sách lập Hoàng hậu), do đó có được hưởng Khánh hạ, chúc mừng từ quan viên và hưởng lễ bái lạy “Lục túc tam quỵ tam bái lễ” từ Phi tần, Công chúa, Vương phi và các Mệnh phụ. Đây là lần đầu tiên và duy nhất, một Phi tần triều Thanh có được lễ tuyên sách vị hiệu chính thức lại dùng đại điển như của một Hoàng hậu.

Vậy là với những thông tin mà https://travel.duhoctrungquoc.vn/ vừa mới chia sẻ trên đây, du khách đã có thêm sự hiểu biết về hậu cung Nhà Thanh. Nếu du khách là người yêu thích lịch sử Trung Hoa và muốn khám phá nhiều hơn thì hãy thực hiện ngay một chuyến du lịch Trung Quốc cùng người bạn đồng hành https://travel.duhoctrungquoc.vn/ nhé!

Thông tin bài viết được thu thập và tổng hợp từ Nguồn Internet chỉ mang tính chất tham khảo.

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 21:13:09

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Văn hoá - Con người,
Top