Nữ giới Trung Quốc cố đi du học để khỏi bị ép lấy chồng

Để thoát khỏi tiêu chuẩn kép – có học vấn cao để cạnh tranh công việc nhưng phải lấy chồng trước tuổi 30, nhiều cô gái Trung Quốc chọn con đường du học.

Theo Sixth Tone, một nữ sinh tên Suyin quyết định lên đường đến Melbourne (Australia) bởi hy vọng du học không chỉ mở rộng tầm nhìn ra khỏi nơi cô đã sống kể từ khi sinh ra, mà còn để né tránh khỏi các tiêu chuẩn cũ kỹ áp lên phụ nữ nếu cô còn ở lại Trung Quốc.

Trong cuốn sách Dreams of Flight: The Lives of Chinese Women Students in the West, Fran Martin, phó giáo sư về nghiên cứu văn hóa tại Đại học Melbourne, chỉ ra rằng việc sang nước ngoài học của nữ giới Trung Quốc không chỉ liên quan tới ước mơ cá nhân, mà còn đem theo cả kỳ vọng về giới tính.

Thoát khỏi các tiêu chuẩn ngột ngạt

Một khía cạnh ít được thảo luận về “cơn sốt du học” của Trung Quốc là phần lớn sinh viên Trung Quốc ở các nước phương Tây là con gái. Ví dụ, phụ nữ chiếm khoảng 54% sinh viên quốc tế Trung Quốc đăng ký vào các trường đại học ở Australia.

Cô lý giải hoàn cảnh giới tính của các cô gái trẻ đã hình thành động lực học tập ở nước ngoài như thế nào dựa trên 2 nguyên nhân chính.

Nữ giới Trung Quốc cố đi du học để khỏi bị ép lấy chồng - 1

Trong thị trường việc làm ở Trung Quốc, nữ giới đối mặt với nhiều bất lợi hơn. (Ảnh: Sixth Tone)

Đầu tiên là sự lệch lạc về giới trong thị trường việc làm trong nước.

Ví dụ, các ứng viên nữ với bảng điểm đẹp vẫn kém lợi thế hơn những ứng viên nam có điểm trung bình ở mức vừa phải. Họ sẽ bị hỏi về dự định kết hôn, mang thai hoặc chỉ được ký hợp đồng nếu cam kết không sinh con trong thời gian không quy định; hay lao động nữ buộc phải chấp nhận nghỉ thai sản không lương.

Trong bối cảnh đó, du học đôi khi trở thành cách giúp nữ giới có thêm lợi thế cạnh tranh so với các ứng viên nam có bằng cấp ở quê nhà, giúp họ dễ chiến thắng hơn trong một sân chơi vốn không bình đẳng.

Thứ hai, một số phụ nữ trẻ cho biết họ coi du học là một cách để thoát khỏi – tạm thời hoặc vĩnh viễn – khỏi sự áp đặt của xã hội đối với hành vi của phụ nữ, cụ thể là việc lấy chồng, sinh con khi đến một độ tuổi nhất định.

Bằng cấp cao, phải biết hy sinh vì gia đình

Tham vọng về kinh tế của Trung Quốc của bộ máy cầm quyền làm cho văn hóa ở các thành phố lớn luôn đề cao thành tích cá nhân và việc theo đuổi đam mê.

“Các chiến dịch thương mại và chính phủ khuyến khích người dân phải cố gắng đạt được giấc mơ, đạt những thành công phổ biến như giàu có, mua được nhà, lái xe hơi sang trọng”, Fran viết.

Nữ giới Trung Quốc cố đi du học để khỏi bị ép lấy chồng - 2

Tiêu chuẩn kép đặt lên vai phái nữ vẫn tiếp tục dai dẳng ở quốc gia đông dân nhất thế giới. (Ảnh: SCMP)

Dưới tác động đó, cơ hội học tập, làm việc cho nhóm con gái độc thân của các gia đình trung lưu cũng được mở rộng.

Con gái thành thị được khuyến khích mạnh mẽ như các bạn nam cùng tuổi, có tính độc lập cá nhân, kỹ năng sống và chứng chỉ học vấn cao để phát triển trong môi trường việc làm cạnh tranh. Nhưng cũng chính phụ nữ phải chịu những áp lực xã hội mạnh mẽ, cụ thể là họ cần lấy chồng và đặt xây dựng gia đình là trung tâm của cuộc sống trước tuổi 30.

Theo những tư tưởng đã tồn tại dai dẳng suốt nhiều thập kỷ ở Trung Quốc, phái nữ phải là những người hiền lành, hiếu thuận và cần đặt chồng, con lên làm ưu tiên số một, sự nghiệp cá nhân không được phép quan trọng hơn.

Minh chứng rõ nhất là cụm “thức ăn thừa” ngày càng phổ biến, gắn liền với những phụ nữ có trình độ học vấn cao nhưng vẫn chưa kết hôn khi chạm mốc 30 tuổi.

Với các cô gái mà Fran từng nói chuyện, thời gian ở nước ngoài đã giúp họ có khoảng thời gian được sống thoải mái hơn, khi sức ép của các chuẩn mực về giới tính của người Trung Quốc phần nào bị giảm bớt do khoảng cách địa lý.

Nữ giới Trung Quốc cố đi du học để khỏi bị ép lấy chồng - 3

Sống ở nước ngoài giúp nhiều cô gái Trung Quốc phát triển quyền tự chủ cá nhân hơn trong việc ra quyết định, cả trong các mối quan hệ lẫn các kế hoạch cuộc sống. (Ảnh: QQ)

Một số người mô tả những năm sống xa nhà là thời kỳ cởi mở nhất từng có, “nơi mà những định hướng tương lai từng được gia đình vạch sẵn lại trở nên không chắc chắn”.

Fran đề cập đến trường hợp của một cô gái họ Ying, người đi du học vào năm 2012 với mong muốn được sống đơn giản hơn, tận hưởng thú vui hàng ngày thay vì cuốn vào sự cạnh tranh gay gắt để tìm việc làm ở quê nhà.

“Khi gặp lại vào 4 năm sau, Ying nói với tôi rằng cô ấy thực sự thấy không cần có bản thiết kế chi tiết cho tương lai để thấy an tâm hay hạnh phúc. Khi nói điều tương tự với bố mẹ, bố Ying đã mắng con gái là người không còn tham vọng”, nữ phó giáo sư cho biết.

“Giờ đây, Ying có cái nhìn linh hoạt hơn về các kế hoạch của mình, dựa trên các giá trị cá nhân của cô ấy. Ying nói với tôi: ‘Ở Melbourne, bạn được là chính mình. Nhưng ở nhà, bạn phải hòa hợp với tư tưởng, suy nghĩ của những người khác”‘.

Đối với một số người, thời gian ở nước ngoài còn giúp “cởi trói” họ khỏi những quan niệm truyền thống về tình yêu, tình dục.

“Họ nhận thấy rằng việc sống xa sự giám sát hàng ngày của người lớn tuổi cho phép bản thân khám phá các thực hành quan hệ vốn khó khăn khi ở nhà, đơn cử như sống chung với bạn trai, quan hệ đồng tính hay quan hệ tình dục với người có sắc tộc khác”.

Tuy nhiên, những rào cản giới tính đối với việc làm ở Trung Quốc đã thúc đẩy quyết định du học của phụ nữ, vẫn tác động đến họ sau khi trở về, ngay cả khi các cô gái có bằng cấp nước ngoài.

“Trong thời gian du học, các cô gái này đã lớn thêm vài tuổi. Trong mắt nhà tuyển dụng, phụ nữ chưa kết hôn ở độ tuổi từ giữa đến cuối 20 nhiều khả năng trở thành gánh nặng, khi công ty phải hỗ trợ thời gian nghỉ thai sản của họ. Dù hạnh phúc với phiên bản trưởng thành, con người mới độc lập của các cô gái lại mâu thuẫn gay gắt với kỳ vọng trước giờ không đổi của cha mẹ”, Fran đúc kết.

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 01-09-2022 23:30:45

Danh mục đăng tin:Văn hoá - Con người, Khám Phá Trung Quốc,
Top