7 tập tục mai táng ở vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc

Nằm biệt lập ở độ cao từ 5.000 m so với mặt nước biển trên dãy Himalaya, Tây Tạng gần như không bị tác động bởi xã hội bên ngoài. Nơi đây có khí hậu vô cùng khắc nghiệt, cộng thêm những lý do tôn giáo mà tục lệ mai táng người chết ở Tây Tạng rất đa dạng. Tuy nhiên, tuỳ theo địa vị mà mỗi thành phần trong xã hội sẽ được mai táng bằng những cách khác nhau.

1. Tháp táng

Đây là một trong những nghi thức tang lễ cao quý và chỉ dành cho những người đáng kính tại Tây Tạng. Các vị Đạt Lai Lạt Ma, Ban Thiền Đạt Ma, Phật sống…khi qua đời sẽ được người dân Tây Tạng lựa chọn phương thức mai táng này.

Tập tục mai táng theo hình thức tháp táng tại Tây Tạng sẽ được diễn ra như sau: người chết sẽ được rút hết sạch nước trong cơ thể và được ướp trong các thảo mộc quý hiểm, đồng thời rải thêm lá vàng và nghệ tây lên khắp cơ thể. Sau đó, xác chết của những người này sẽ được di chuyển đến bảo tháp và được người dân Tây Tạng bảo quản rất cẩn thận để phục vụ cho việc thờ cúng.

7 tập tục mai táng ở vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc

Những bảo tháp – nơi chân cất thi thể của những vị Phật đáng kính này thường được làm từ vàng, bạc, đồng hay gỗ. Thậm chí, bảo tháp cũng có thể được làm bằng đất. Việc lựa chọn chất liệu để làm bảo tháp phụ thuộc vào cấp bậc của những vị Lạt ma.

2. Hoả táng

7 tập tục mai táng ở vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc

Hỏa táng cũng chính là một trong những tập tục chôn cất người chết đặc biệt của người dân Tây Tạng. So với tháp táng thì hỏa táng không được cao quý bằng, nhưng vẫn là tập tục mai táng thể hiện sự tôn trọng với những nhà sư có chức vị cao và giới quý tộc khi mất. Khi họ mất thì xác của họ sẽ được đặt trên rơm và gỗ để có thể đốt cháy hoàn toàn. Phần tro cốt của nhà sư được đưa vào hộp gỗ hay bình đất nung, chôn tại đỉnh đồi, một mảnh đất linh thiêng hay mang lên đỉnh núi phát tán theo gió hoặc thả xuống sông. Riêng tro của Đức Phật Sống hay Lạt Ma thường được cho vào những tháp vàng, bạc nhỏ và lưu giữ cùng với những sách Phật giáo cổ cùng kho báu.

3. Thiên táng (Điểu táng)

Thiên táng thường áp dụng cho dân thường hoặc những người giàu có. Đây là hình thức mai táng phổ biến nhất ở Tây Tạng, như một cách con người hiến dâng thi thể lần cuối cùng cho trời đất, tạo điều kiện cho linh hồn bay lên và tái sinh trở lại. Thế nhưng, hình thức thiên táng thường gây cảm giác sợ hãi cho những ai chứng kiến. 

Tại khu thiên táng thuộc thung lũng Larung (Garze, Tây Tạng), những con kền kền đen bay kín trời, chuẩn bị tiến đến thi thể người chết và rỉa xác. Các rogyapa (người xử lý xác chết) thu hút kền kền bắng cách đốt cây bách xù. Trong văn hóa của người Tây Tạng, kền kền được coi là loài vật linh thiêng. 

7 tập tục mai táng ở vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc

Trước khi diễn ra nghi lễ thiên táng, thi thể người đã khuất được để trong nhà từ 3-5 ngày. Sau đó, người thân sẽ đưa thi thể tới khu điểu táng, nằm trên núi cao, cách xa khu dân cư. Mọi thành viên trong gia đình đều được chứng kiến nghi lễ linh thiêng này.  Theo quan điểm Phật giáo Kim Cương Thừa ở Tây Tạng, gia đình của người đã khuất được khuyến khích chứng kiến nghi thức điểu táng, để đối mặt với cái chết và cảm nhận ”sự vô thường” của cuộc sống.

Có 2 hình thức điểu táng ở Tây Tạng, một kiểu cơ bản, một kiểu long trọng. Kiểu cơ bản là người nhà đưa thi thể lên núi, tới khu mai táng và để kền kền tự rỉa xác. Hình thức long trọng bao gồm nhiều nghi lễ phức tạp hơn.

Trước khi hành lễ mai táng, cơ thể người đã khuất được tắm rửa sạch sẽ, phần xương sống bị phá vỡ, sau đó người nhà cuộn thi thể vào tấm vải trắng và khuân lên núi. Các rogyapas sẽ tách rời thi thể thành nhiều phần bằng rìu, sau đó bầy kền kền đậu đen kịt quanh xác chết và bắt đầu nhiệm vụ.  Người Tây Tạng cho rằng, kền kền như thiên sứ, giúp linh hồn của người đã khuất được chuyển kiếp. Theo quan niệm của Phật giáo Kim Cương Thừa, linh hồn là phần quan trọng nhất của cuộc sống con người. Khi về cõi niết bàn, linh hồn tồn tại vĩnh viễn, thân xác chỉ như “chiếc thuyền rỗng” mục rữa. Vì vậy, việc để kền kền rỉa xác như một hành động bày tỏ sự thành kính của gia đình đối với người đã khuất.

4. Thuỷ táng

7 tập tục mai táng ở vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc

Đây cũng là một trong những tập tục chôn cất được người dân Tây Tạng sử dụng tương đối nhiều. Để thủy táng thì xác chết được bọc vào một tấm vải trắng rồi thả trôi sông. Có hai quan điểm khác nhau về hình thức thủy táng này đó chính là, ở những nơi thiên táng phổ biến thì thủy táng là hình thức mai táng chỉ dành cho những người ăn xin hoặc những người có địa vị thấp trong xã hội. Còn đối với những nơi không thể thực hiện được thiên táng thì thủy táng được chấp nhận rộng rãi như là một tập tục mai táng thiêng liêng, trang trọng.

5. Vách táng

7 tập tục mai táng ở vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc

Vách táng thường được áp dụng ở miền nam Tây Tạng và do các nhà sư quyết định phương thức tang lễ nào sẽ phù hợp với người chết. Theo đó, xác chết sẽ được đặt trong hộp gỗ và đem đến một hang động ở vách đá có độ cao 50 – 300 m so với mặt đất.

6. Mộc táng

7 tập tục mai táng ở vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc

Hình thức mai táng này dành cho trẻ em. Đặc biệt hay được dùng ở Nyingchi, phía đông nam Tây Tạng. Để tránh để những đứa trẻ khác nhìn thấy, thi thể của các em nhỏ thường được đặt trong một chiếc thùng gỗ và treo trên cây trong một khu rừng xa xôi.

7. Địa táng

7 tập tục mai táng ở vùng đất Tây Tạng, Trung Quốc

Trái ngược với các nơi khác trên thế giới, địa táng (chôn cất) là hình thức thấp kém nhất, chỉ áp dụng cho những người mang bệnh dịch hoặc kẻ sát nhân. Địa táng có hai ý nghĩa: một là để loại bỏ sự lây lan của bệnh dịch, hai là để trừng phạt người chết bằng cách đưa họ xuống địa ngục.

Trên đây chính là một số tập tục mai táng phổ biến của người dân Tây Tạng. Những tập tục mai táng này đã được người dân Tây Tạng giữ và truyền nối biết bao nhiêu thế hệ. Nếu có dịp du lịch Trung Quốc và ghé thăm vùng đất thiêng Tây Tạng, du khách hãy khám phá thêm những phong tục tập quán ở nơi đây nhé! 

Source URL:https://www.tourtrungquoc.net.vn/van-hoa-am-thuc/7-tap-tuc-mai-tang-o-vung-dat-tay-tang-trung-quoc.html

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 21:17:31

Danh mục đăng tin:Ẩm thực Trung Hoa, Văn hoá - Con người,
Top