Cao học – giải pháp cho cử nhân thất nghiệp tại Trung Quốc

GD& Chính phủ Trung Quốc khuyến khích cử nhân học cao học để giải quyết bài toán thất nghiệp cho sinh viên mới ra trường nhưng điều này có thể khiến chất lượng đào tạo và giá trị bằng sau đại học bị giảm.

Ngày tốt nghiệp đang đến gần nhưng Yang Xiaomin, sinh viên đại học 21 tuổi, không tham gia hội chợ việc làm tại trường đại học cũng chưa tìm kiếm công việc tương lai. Thay vào đó, cô tham dự kỳ thi tuyển sinh cao học quốc gia, được tổ chức vào cuối tháng 12/2020.

Cao học - giải pháp cho cử nhân thất nghiệp tại Trung Quốc - Ảnh 1.

Học cao học giải quyết vấn đề thất nghiệp cho sinh viên mới ra trường tại Trung Quốc.

Xiaomin cho biết: “Một số công việc thậm chí còn không nhận hồ sơ của sinh viên tốt nghiệp đại học. Học lên cao học có thể không giúp tôi tìm được công việc tốt hơn nhưng ít nhất, tôi có nhiều lựa chọn hơn”.

Dữ liệu từ Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc ngày 18/1 cho thấy nền kinh tế quốc gia này phần lớn đã phục hồi sau đại dịch Covid-19, là nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong năm 2020. Phần lớn sự hồi phục được thúc đẩy bởi lao động phổ thông như sản xuất. Tuy nhiên, nguồn cung cấp việc làm trả lương cao cho các cử nhân đại học còn thiếu trầm trọng.

Được sự khuyến khích của chính phủ, nhiều sinh viên quyết định học cao học. Vào thời điểm lượng cử nhân tốt nghiệp lên cao, Bộ Giáo dục Trung Quốc yêu cầu các trường đại học tăng chỉ tiêu tuyển sinh thạc sĩ thêm 189.000, tăng gần 25%, để giảm bớt tình trạng thất nghiệp. Gần 4 triệu sinh viên đã tham gia kỳ thi tuyển sinh sau đại học vào tháng 12/2021, tăng gần 11% so với năm 2019 và gần gấp đôi năm 2016.

Trường học là “bến đỗ” chung trên toàn thế giới trong thời kỳ kinh tế không chắc chắn, nhưng tại Trung Quốc, việc khuyến khích học cao học là vấn đề dài hạn. Vì trước khi Covid-19 xảy ra, nhiều tân cử nhân Trung Quốc phàn nàn không có đủ việc làm phù hợp. Việc tăng vị trí việc làm có thể thúc đẩy sự cạnh tranh, vốn đã khốc liệt, trong thị trường lao động Trung Quốc nên bằng cao học sẽ có giá trị hơn trong ứng tuyển.

Khuyến khích sinh viên học cao học cũng là một phần của nỗ lực kéo dài hàng thập kỷ nhằm tăng tỷ lệ tuyển sinh đại học. Năm 1997, Trung Quốc có ít hơn 3.5 triệu sinh viên đại học và học viên cao học. Năm 2019, có hơn 33 triệu người theo học từ bậc đại học trở lên, chưa tính các trường học trực tuyến hoặc cơ sở giáo dục dành cho người trưởng thành.

Số lượng bằng cấp cao tại Trung Quốc vẫn thua các nước phát triển. Theo thống kê của chính phủ, cứ 1.000 người Trung Quốc thì có 2 người tốt nghiệp đại học, thấp hơn so với Mỹ là 9 người.

Tuy nhiên, nếu thúc đẩy giáo dục đại học, nền kinh tế Trung Quốc có thể chưa kịp bắt nhịp, dẫn đến lượng lớn sinh viên tốt nghiệp không có việc làm. Báo cáo của nền tảng tuyển dụng việc làm lớn nhất Trung Quốc cho thấy 26.3 % sinh viên tốt nghiệp năm 2020 thất nghiệp vào tháng 6 năm ngoái. Việc làm cho sinh viên mới tốt nghiệp năm 2020 giảm 7% so với cùng thời điểm năm 2019, trong khi lượng cử nhân tăng gần 63%.

Giáo sư Joshua Mok, làm việc tại Trường Đại học Lĩnh Nam, cho biết: “Nền kinh tế Trung Quốc cần nhiều người có trình độ chuyên môn kỹ thuật, thay vì chỉ có bằng cấp học thuật từ các trường đại học. Đây là sự thiếu hụt về kỹ năng”.

Việc tăng chỉ tiêu tuyển sinh sau đại học có thể giải quyết phần nào bài toán thất nghiệp cho sinh viên nhưng cũng có mặt trái. Nhiều sinh viên cho rằng bằng cấp càng cao là càng bắt buộc. Vì vậy, ngay từ khi vào đại học, các em đã xác định phải học lên cao.

Số khác lo lắng chất lượng giảng dạy cao học hoặc giá trị bằng cấp sẽ giảm khi số lượng người đăng ký tăng vọt. Mối quan tâm này càng trở nên rõ ràng khi Hong Dayong, quan chức Bộ Giáo dục, thừa nhận trong cuộc họp báo vào tháng 12/2020 rằng một số trường đại học thiếu giảng viên trong khi chương trình sau đại học ngày càng tăng.

Nhưng bà Dayong cam kết các trường sẽ đưa ra biện pháp kiểm soát chất lượng dạy và học chặt chẽ hơn. Chính phủ cũng khuyến khích các trường đào tạo thạc sĩ tập trung vào hướng nghiệp để học viên tốt nghiệp có thể tìm được việc làm.

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 28-01-2021 21:30:30

Danh mục đăng tin:Giáo dục Trung Quốc,
Top