Vẻ đẹp quyến rũ của Tỵ Thử Sơn Trang ở Trung Quốc

Tỵ Thử Sơn Trang theo nghĩa đen là “trang trại trên núi để tránh nóng”. Đây là một lâm viên danh tiếng dành cho Hoàng tộc Trung Quốc, tọa lạc ở huyện Thừa Đức, tỉnh . Tên ban đầu của sơn trang này là “Hành Cung Nhiệt Hà” hay còn gọi là “Thừa Đức Ly Cung” (cung điện dành cho vua nghỉ ngơi). Sơn trang được xây dựng từ năm 1703 đến 1792, trải dài 89 năm với ba đời vua: Khang Hy, Ung Chính, Càn Long.

Sơn Trang còn là nơi vua cùng quan lại hội ý việc nước, nên có thể gọi là một trung tâm chính trị thứ hai. Quần thể tôn giáo trong Sơn Trang quy tụ các dòng kiến trúc của các dân tộc Mãn, Hán, Mông, Tạng rất đặc sắc. 

Vẻ đẹp quyến rũ của Tỵ Thử Sơn Trang ở Trung Quốc

Diện tích của Tỵ Thử Sơn Trang gấp đôi Di Hoà Viên và gấp tám lần công viên Bắc Hải. Sơn Trang gồm hai bộ phận lớn: khu cung điện và khu vườn cảnh. Khu cung điện bao gồm bốn kiến trúc có phong cách cổ phác và điển nhã: Chính Cung, Đông Cung, Tùng Hạc Trai, và Vạn Hác Tùng Phong. Khu vườn cảnh bao gồm hồ, núi, đất bằng. Sơn Trang có nhiều lâu đài điện các, am, miếu, chùa, đạo quán…

Vẻ đẹp quyến rũ của Tỵ Thử Sơn Trang ở Trung Quốc

Tỵ Thử Sơn Trang rộng 564 hecta, có vòng tường xây đá dài 10km, cao từ 2,5m-6m tuỳ theo địa hình, gồm hai khu: cung điện và khu ngự uyển. Khu cung điện nằm ở phía Nam, bố trí đăng đối, nghiêm cẩn, phong cách thiên về mộc mạc, hiện có thu thập và trưng bày hơn 20.000 hiện vật liên quan đến cuộc sống sinh hoạt của hoàng đế. Khu ngự uyển thì phân làm 3 khu: khu hồ ao phía Đông Nam, khu núi rừng phía Tây Bắc và khu thảo nguyên phía Đông Bắc. Với địa hình hết sức đa dạng, phong phú, Tỵ Thử Sơn Trang được xem là hình ảnh thu nhỏ của đất nước Trung Quốc.

Vẻ đẹp quyến rũ của Tỵ Thử Sơn Trang ở Trung Quốc

Nằm ở phía Đông Bắc của Tỵ Thử Sơn Trang là khu Ngoại Bát Miếu có nghĩa là 8 ngôi chùa lớn (thực ra có đến 12 toà miếu) được xây trong thời Khang Hy và Càn Long. Nhưng theo quy định của “Nhiệt Hà viên đình tắc lệ” thì “Ba khu miếu tự là La Hán Đường, Quảng An Tự, Phổ Lạc Tự không thiết đặt Lạt Ma trụ trì. Phổ Hựu Tự thì cho thuộc vào Phổ Ninh Tự. 8 khu miếu còn lại có Lạt Ma (tức Hoà thượng) do triều đình cử đến, hàng tháng được cấp ngân lượng”. Nghĩa là chỉ có 8 miếu tự chính thức có bổ nhiệm chức Lạt Ma trụ trì. Danh xưng “Ngoại Bát miếu” cũng từ đó mà ra, sau này trở thành từ chỉ chung các khu miếu tự bên ngoài sơn trang.

Tám ngôi chùa ở khu Ngoại Bát Miếu vây quanh Sơn Trang như 8 vì tinh tú vây lấy mặt trăng – biểu tượng cho sự đoàn kết và mối quan hệ hữu nghị giữa các dân tộc trong lãnh thổ Trung Hoa. Các ngôi chùa lộng lẫy có sự kết hợp giữa lối kiến trúc của người Hán và người Tây Tạng. Ngôi chùa Phật lớn và đẹp nhất trong số 8 ngôi chùa ở đây là chùa Phổ Đà Thừa Chi – được xây dựng vào năm 1767-1771 để mừng thọ vua Càn Long.

Vẻ đẹp quyến rũ của Tỵ Thử Sơn Trang ở Trung Quốc

Phần chính của chùa Phổ Đà là những tòa kiến trúc nằm kề nhau có màu đỏ và trắng, rất giống với kiến trúc của Cung điện Potala ở Lhasa, Tây Tạng. Chùa Phổ Đà Thừa Chi là một quần thể kiến trúc nằm trong khuôn viên rộng 220.000 m2, có sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc của người Hán và người Tây Tạng. Cổng vào ngôi chùa là một tòa tháp theo kiến trúc Tây Tạng, được xây bằng gạch trắng có 3 cửa vào hình cung với phần mái theo kiến trúc của người Trung Hoa. Trước cửa là một cặp sư tử đá đặt ngồi. Bên trong cổng vào là một ngôi đình có 3 tấm bia bằng đá khắc thủ bút của vua Càn Long. Một trong ba tấm bia ghi lại lý do và tiến trình của việc xây ngôi chùa. Phía Bắc của ngôi đình là một tháp màu trắng, được xây theo lối kiến trúc của người Tây Tạng, có 5 tháp nhỏ Lama trên đỉnh với 5 màu: đen, trắng, vàng, xanh và đỏ – đại diện cho 5 giáo phái khác nhau. 

Phần chính của chùa Phổ Đà Thừa Chi là những tòa kiến trúc nằm kề nhau có màu đỏ và trắng. Tòa tháp lớn với những bức tường đỏ nằm ở giữa gọi là “tháp đỏ”, “tháp trắng” với các bức tường màu trắng nằm ở phía Tây và Đông. Tòa tháp đỏ gồm 5 tầng, nằm ở phần cuối và cao nhất trong quần thể kiến trúc này trông rất hùng vĩ. Trước tòa tháp đỏ có 6 hốc tường đặt 6 bức tượng Phật. Bên trong tòa tháp, bốn bức tường của mỗi tầng đều có những hốc tường nhỏ đặt những bức tượng Phật bằng gỗ mạ vàng. Có hơn 1.000 bức tượng Phật lớn nhỏ đặt trong các hốc tường. Những tòa tháp trắng thường là nơi ở của các vị sư sãi. Không chỉ là nơi thờ cúng Phật và tổ chức lễ hội, chùa Phổ Đà Thừa Chi còn là nơi các hoàng đế tổ chức các buổi gặp gỡ với các sứ thần. Chùa trưng bày rất nhiều đồ tạo tác như tượng, đồ vật bằng gốm sứ, các vật tôn giáo của người Tây Tạng… Ngày nay, chùa Phổ Đà Thừa Chi là nơi tổ chức các lễ hội văn hóa chính của người dân địa phương.

Vẻ đẹp quyến rũ của Tỵ Thử Sơn Trang ở Trung Quốc

Cạnh đó có chùa Phổ Ninh ở phía Bắc của Sơn Trang. Chùa được xây dựng vào năm 1775 mô phỏng theo kiến trúc của một ngôi chùa Tây Tạng kết hợp nét kiến trúc của Trung Hoa, Ấn Độ. Chùa nổi tiếng với bức tượng Phật ngàn tay, ngàn mắt chạm khắc bằng gỗ tùng, bách, linh sam… cao lớn nhất thế giới. Tượng Phật cao hơn 22 m, nặng 110 tấn. 

Ngoài hai ngôi chùa nổi bật trên thì còn có 6 ngôi chùa khác của tỉnh Hà Bắc cũng trong danh sách di sản thế giới bao gồm: chùa Phổ Nhạc, chùa Tu Minh Phúc Thọ, chùa An Viễn, chùa Thù Tượng, chùa Phổ Nhân, chùa Phổ Hựu.

Với những kiến trúc được xếp vào hàng tuyệt tác cùng với những giá trị về văn hóa, lịch sử của mình, Tỵ Thử Sơn Trang và Ngoại Bát Miếu của Trung Quốc đã được Unesco công nhận là Di sản văn hóa thế giới năm 1994. Cho đến nay, di sản này vẫn là một trong những điểm tham quan thu hút khách vào bậc nhất ở Trung Quốc. Nếu du khách có dịp du lịch Trung Quốc thì đừng bỏ qua điểm đến nổi tiếng này nhé! 

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 17-03-2020 09:44:34

Danh mục đăng tin:Du lịch Trung Quốc, Khám Phá Trung Quốc,
Top