Tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước Châu Á

Người Á Đông vốn rất coi trọng giá trị của gia đình và có nhiều ngày lễ đoàn viên trong năm, có ý nghĩa đặc biệt trong đời sống tinh thần, phát huy những nét đẹp văn hóa truyền thống.

Tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước Châu Á

Châu Á là một châu lục rộng lớn, đông dân, đa sắc tộc, tôn giáo và tín ngưỡng nhất trên thế giới. Đây được coi là cái nôi của những nền văn minh đặc sắc của nhân loại với khối lượng di sản văn hóa tuyệt tác khổng lồ.
 
Không những vậy, phong tục đón Tết Cổ Truyền của các quốc gia khu vực này cũng có nhiều nét đặc biệt mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc mình.

Nhật Bản

Tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước Châu Á

Là quốc gia chịu ảnh hưởng của hai nền văn hóa phương Đông và phương Tây, Nhật Bản ăn Tết theo dương lịch nhưng ngày Tết vẫn mang đậm nét văn hóa đặc trưng của xứ sở hoa anh đào.
Vào những ngày trước Tết, mọi người đều dọn dẹp nhà cửa nhằm chào đón các vị thần năm mới đến nhà. Theo truyền thống, người Nhật thường bắt đầu đợt tổng vệ sinh vào ngày 13/12 và ngày này được gọi là “Susuharai”. Nhưng do sự thay đổi của xã hội, ngày dọn dẹp của người Nhật không còn được giữ nguyên mà nhiều gia đình đã đợi đến gần Tết mới lên kế hoạch dọn dẹp.
Vào ngày cuối cùng của năm, người Nhật có truyền thống ăn Toshikoshi Soba (mì trường thọ). Đây là loại mì lúa mạch, sợi dài tượng trưng cho cuộc sống khỏe mạnh, lâu dài. Ăn mì trường thọ không quy định ăn vào thời gian nào. Nhiều gia đình ăn mì trong bữa tối, nhưng cũng có nhà lại thưởng thức Toshikoshi Soba vào thời khắc giao thừa trong tiếng chuông thánh thót. Tết của Nhật cũng có sự khác biệt so với các nước khác; đó là thay vì bắn pháo hoa hoành tráng chào đón năm mới, các đền, chùa ở đây sẽ đồng loạt gióng lên 108 tiếng chuông – tượng trưng cho 108 ham muốn trần tục của con người theo cách nghĩ Phật giáo.
Văn hóa Nhật cũng được thể hiện bằng việc đi đến Thần điện để cầu mong bình an, hạnh phúc trong năm mới. Nhiều người đến Thần điện vào đúng thời khắc giao thừa nhưng cũng có người đi vào sáng hôm sau. Họ thường sử dụng đồng 5 yên để dâng hương vì nó có phát âm như chữ “may mắn” hay “duyên” trong tiếng Nhật.

Hàn Quốc

Tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước Châu Á

Ở Hàn Quốc một năm có đến hai ngày Tết: Tết Dương lịch và Tết Âm lịch, tùy văn hóa mỗi nơi mà họ ăn Tết khác nhau. Nhưng Tết Âm lịch tiếng Hàn gọi là Seollal – là một trong hai ngày lễ lớn nhất trong năm của người Hàn Quốc cùng với Tết Trung thu. Đối với người Hàn Quốc, Seollal mang một ý nghĩa đặc biệt hơn nhiều so với đơn thuần chỉ là một ngày đánh dấu cho sự khởi đầu của một năm mới. Đây không chỉ là quãng thời gian để tưởng nhớ và tỏ lòng kính trọng với tổ tiên mà còn là thời gian cho mọi người đoàn tụ cùng gia đình.
Giống như Việt Nam, vào những ngày giáp Tết, các gia đình Hàn Quốc đều tập trung dọn dẹp nhà cửa. Nhưng cũng có điểm khác biệt trong văn hóa so với các nước khác; Đó là vào tối giao thừa, người Hàn thường tắm bằng nước nóng để tẩy trần; mặc trang phục hanbok truyền thống để cử hành nghi lễ thờ cúng tổ tiên. Người Hàn Quốc còn đốt các thanh tre trong nhà nhằm xua đuổi tà ma. Họ quan niệm không được ngủ trong đêm giao thừa vì nếu ngủ thì sáng hôm sau lông mi sẽ bạc trắng. Vậy họ thường thức nói chuyện thâu đêm vào đêm giao thừa.
Mâm cỗ ngày Tết của người Hàn cũng rất cầu kì khi thường có tới hơn 20 món, trong đó những món như ttokkuk, kimchi hay canh bánh gạo (tteokguk) là món ăn không thể thiếu.
Do là quốc gia chịu sự ảnh hưởng của nho giáo nên vào năm mới, nhiều gia đình tiến hành mở đầu năm theo nghi thức nho giáo có tên là Charye. Nhiều gia đình mặc hanbok và tụ tập ở nhà người trưởng nam. Họ chuẩn bị một chiếc bàn thấp, trên đó có đặt tờ sớ và nhiều món truyền thống và mỗi gia đình sẽ cúng bốn đời tổ tiên. Sau đó, người trẻ sẽ thực hiện nghi lễ sebae. Nghi thức này nghĩa là người trẻ tuổi trong gia đình sẽ cúi người chào người lớn và chúc người lớn năm mới may mắn. Còn người lớn sẽ cho trẻ con bao lì xì và dặn dò con cháu những điều cần học tập vào năm sau hoặc chúc con cháu sang năm mới may mắn, thành công hơn,…

Trung Quốc

Tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước Châu Á

Tết Nguyên Đán là ngày lễ lớn và quan trọng nhất trong năm. Vào những ngày cận Tết, mọi người đã bắt đầu mua vé tàu, xe, máy bay để kịp trở về nhà đón năm mới. Vào những ngày này, tình trạng tàu xe ở Trung Quốc luôn trong tình trạng quá tải và nhiều người gọi vui là “cuộc di dân lớn nhất năm của người Trung Quốc”.
Như nhiều nước, để chuẩn bị cho năm mới, các gia đình đều quét dọn nhà cửa sạch sẽ với hy vọng sẽ xóa bỏ được tất cả mọi lo lắng, xui xẻo, tà ma trong gia đình để dọn đường cho thần may mắn vào nhà. Mọi người cũng sơn lại cửa chính và cửa sổ, thường là bằng màu đỏ. Ở một số nơi, các gia đình cũng trang trí nhà bằng hình con vật của năm mới bằng giấy đỏ hay dán đôi câu đối trước cửa nhà. Những câu đối luôn mang ý nghĩa may mắn hay lời chúc cho năm tới được thuận lợi hơn năm cũ. Đèn lồng đỏ cũng là thứ không thể thiếu trong những đồ vật ngày Tết của người Trung Quốc. Lễ hội đèn lồng sẽ được diễn ra sau 2 tuần kể từ năm mới. Mọi người sẽ trưng bày các loại đèn lồng với kiểu dáng, màu sắc khác nhau cùng nhiều hoạt động truyền thống khác.
Văn hóa Việt Nam do chịu ảnh hưởng từ Trung Quốc nên các hoạt động đón giao thừa cũng không khác nhau quá nhiều. Trong bữa tối cuối năm, các thành viên trong gia đình sẽ quây quần bên nhau ăn tối, xem các chương trình chào năm mới và cúng giao thừa. Người Trung Quốc cũng có tục lệ đi chúc Tết người thân, họ hàng, làng xóm vào ngày đầu năm và người lớn cũng sẽ mừng tuổi cho trẻ nhỏ. Tiền mừng tuổi được đựng trong những bao lì xì màu đỏ có ý nghĩa mang lại may mắn.

Thái Lan

Tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước Châu Á

Tết của người Thái không tổ chức vào ngày 1/1 dương lịch hay âm lịch mà lại tổ chức từ ngày 13-15/4 gọi là Songkran. Đây là thời điểm người Thái tỏ lòng kính trọng với Đức Phật. Vì ở quốc gia này Phật giáo là quốc giáo nên họ ăn tết theo Phật lịch.
Để chuẩn bị cho Tết Song kran, nguời dân sẽ dành 2 ngày. Một ngày để dành riêng cho việc dọn dẹp nhà cửa nhằm rũ bỏ những điều cũ gọi là Wan Sungkharn Long. Tiếp đó là Wan Nao – ngày dành riêng để chuẩn bị đồ ăn cho ngày Tết. Theo tập tục, người dân sẽ tới bờ sông và thi nhau dựng các ngôi chùa bằng cát, mỗi hạt cát sẽ cuốn đi một tội lỗi. Ngày Wan Nao tương tự như ngày 30 của Tết cổ truyền Việt Nam.
Người Thái Lan cũng có cách đón ngày đầu tiên của năm theo cách riêng của mình. Wan Payawan là ngày đầu tiên của năm mới. Mở đầu là một số nghi lễ trên chùa vào lúc sáng sớm, người dân sẽ cúng đồ ăn và quần áo. Còn tại nhà, các bức ảnh của Đức Phật sẽ được lau và vẩy nước thơm. Wan Payawan cũng là ngày bắt đầu của lễ hội té nước. Lễ hội té nước của người Thái cũng là điều đặc biệt trong Tết của người Thái, một vài quốc gia cũng có tục lệ té nước vào ngày Tết là Campuchia, Lào,… Người Thái quan niệm rằng những người càng được té nhiều nước thì càng may mắn. Trong thời gian diễn ra lễ hội, nhiều cuộc diễu hành, thi sắc đẹp được tổ chức. Cuối cùng là ngày Wan Parg-bpee – ngày để cầu nguyện, tưởng nhớ người già và tổ tiên và rắc nước thiêng.

Indonesia

Tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước Châu Á

Là quốc gia có nhiều tôn giáo và sắc tộc nên Indonesia cũng có cách chào đón năm mới rất đa dạng. Đó là tết của người Hồi giáo (Tahun Baru Hijriah), tết của người Hindu tại đảo Bali (Tahun Baru Saka) và tết Trung Quốc (Tahun Baru Imlek)
Nhưng kể từ năm 2000, Indonesia chính thức công nhận Tết âm lịch là ngày lễ quốc gia. Tết âm lịch là kết quả của quá trình tiếp biến văn hóa bởi cư dân Jakarta từ những người nhập cư Trung Quốc và lưu truyền qua nhiều thế hệ. Đó là lý do mà phong tục đón Tết của người Indonesia có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc.
Vào dịp năm mới, mọi người đều tranh thủ đi mua sắm đồ đạc mới, quét dọn nhà cửa hay trang trí nhà chuẩn bị đón Tết. Người Indonesia cũng có tục lệ thờ cúng các vị thần và tổ tiên trong đêm gió thừa. Đồ cúng chủ yếu là bánh và trái cây. Đầu tiên họ sẽ bày đồ cúng ở chiếc bàn đặt phía ngoài ngôi nhà. Mỗi thành viên trong gia đình sẽ đốt hương, vái ba vái để bày tỏ tấm lòng thành kính và xin phép các được vào nhà. Khi vào nhà, đồ cùng trên bàn thờ cũng phải được bày sẵn sàng để thờ cúng tổ tiên. Các thành viên trong gia đình lần lượt thắp hương và vái trước bàn thờ tổ tiên. Sau khi hoàn thành hết các công việc kể trên, họ mới bắt đầu hoạt động buổi tối, cùng nhau ăn bữa cơm Tất niên.
Người Indonesia cũng tin rằng, vào đêm giao thừa, tất cả các ngọn đèn trong nhà phải được bật sáng suốt đêm. Nếu nhà tối tăm, thần tương lai sẽ không thể nhìn thấy gì và sẽ không ghé vào gia đình họ.

Philippines

Tìm hiểu phong tục đón Tết của các nước Châu Á

Ngày Tết ở Philippines được diễn ra từ ngày 30/12 Dương lịch. Ngày nay cũng chính là ngày lễ kỷ niệm Philippines Jose Lisaro- nhà thơ yêu nước, người anh hùng dân tộc khởi xướng phong trào độc lập, do vậy ngày này người ta còn gọi là “Ngày anh hùng”.
Giống như Việt Nam, Tết là dịp để đoàn tụ gia đình, cùng suy ngẫm về những việc đã làm trong năm cũ và hướng tới một tương lai tươi sáng. Philippines là một đất nước vừa chịu ảnh hưởng của phương Tây và Trung Quốc nên phong tục tập quán của Philippines có sự pha trộn nhưng vẫn mang những nét truyền thống đặc trưng. Những ngày giáp Tết, những thành viên trong gia đình đều cùng nhau dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ. Trước đêm giao thừa, họ sẽ chuẩn bị bàn tiệc “Media Noche” để cả gia đình thưởng thức vào lúc nửa đêm. Trên bàn tiệc luôn phải có một chai rượu sâm banh hoặc chai rượu vang đỏ. Trước khi ăn, mọi người trong gia đình đọc lời cầu nguyện cảm ơn một năm đã qua và đón mừng năm mới.
Người Philippines cũng rất thích những thứ có hình tròn trong năm mới vì nó biểu thị những đồng tiền xu. Vì thế, họ sẽ xếp trái cây thành hình tròn và để lên bàn tiệc, hay người lớn sẽ chất đầy tiền xu vào túi trẻ con với mong muốn năm tới sẽ không phải lo lắng về tiền bạc.

Tổng hợp

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 16-10-2019 17:12:27

Danh mục đăng tin:Du lịch Trung Quốc, Khám Phá Trung Quốc,
Top