Hành hương đầu năm đến miền đất Phật

Những địa điểm dưới đây chắc chắn sẽ là nơi lý tưởng cho chuyến hành hương đầu năm về miền đất Phật của mỗi tín đồ Phật giáo.

Hành hương đầu năm đến miền đất Phật  

Ấn Độ – Quê hương Phật giáo

Hành hương đầu năm đến miền đất Phật

Phật Thích-ca sinh ra và thành đạo tại Ấn Độ nên bán đảo mênh mông này là điểm đến hành hương của Phật tử trên toàn thế giới. Tại vùng Đông bắc Ấn Độ ngày nay, tập trung trong một khu vực mà hai điểm xa nhau nhất chừng 600km, người ta tìm thấy hầu như tất cả dấu tích của cuộc đời Đức Phật.
Trên chuyến hành hương tìm theo bước chân Phật Thích-ca, bạn nên đến những nơi khác cũng rất nổi tiếng trong lịch sử đạo Phật như thành Vương Xá, đỉnh Linh Thứu, Xá Vệ…
Chuyến hành hương kết hợp được với một chuyến viếng thăm các vị đạo sư nổi tiếng hiện nay là Đạt-lai Lạt-ma và Karmapa tại Dharamsala tại miền cực Bắc Ấn Độ thì hết sức trọn vẹn. Đó là cơ hội để bạn được gặp các vị được xem là “thánh nhân” trong thời đại này cũng như được ngắm dãy Hy Mã Lạp sơn.

Trung Quốc – Xứ sở của các vị Bồ tát

Hành hương đầu năm đến miền đất Phật

Phật giáo được truyền từ Ấn Độ qua Trung Quốc trong thế kỷ thứ nhất. Tại đây Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ và chuyển thành một nền Phật giáo được mệnh danh là Phật giáo Đại thừa. Đặc trưng của Phật giáo Đại thừa là hình ảnh các vị Bồ tát.
Tại Trung Quốc có bốn rặng núi lớn được gọi tên là “Tứ đại danh sơn” được xem là bốn đạo tràng của bốn vị Đại Bồ-tát quan trọng nhất của Phật giáo. Tại các rặng núi lớn đó người ta tìm thấy đền đài tự viện đã xây dựng rất xưa và nằm trên những đỉnh núi cao. Đó cũng là những vị trí mà người ta tin rằng có nhiều điều huyền diệu xảy ra, phù hợp với ý nguyện cứu độ của các vị Bồ-tát. Nhiều người cảm nhận có nhiều năng lượng đặc biệt hay những hiện tượng khác thường xảy ra trên các đỉnh tại các rặng núi này.
Đền đài chùa chiền tại các rặng Tứ đại danh sơn cũng chứa rất nhiều kinh sách, tác phẩm , cổ vật được lưu giữ từ hàng chục thế kỷ trước. Vì Trung Quốc rộng lớn và các rặng núi nằm xa nhau, khách cũng phải mất khoảng 14 ngày mới đi chiêm bái hết tất cả các rặng núi thiêng.

Borobudur – Mạn đà la vĩ đại tại Indonesia

Hành hương đầu năm đến miền đất Phật

Indonesia, ngày nay là một nước theo Hồi giáo, bất ngờ thay, ta tìm thấy ngôi đền Borobudur, ngôi đền Phật giáo lớn nhất thế giới. Đây là một Mạn-đà-la ba chiều bằng đá, được xây dựng trên quan niệm vũ trụ của đạo Phật và được trình bày chi tiết theo hướng Kim Cương thừa.
Ngôi đền này được xây dựng trong khoảng thế kỷ thứ 9, đã bị vùi lấp rất lâu dưới tro núi lửa và được phát hiện lại trong thế kỷ thứ 19.
Cách Borobudur chừng 3km có ngôi đền Mendut, trong đó có chứa ba bức tượng Phật bằng đá rất lớn diễn tả các vị Bồ-tát Di-lặc, Quán Thế Âm và Kim Cương thủ. Ba bức tượng này được nhất trí thừa nhận là ba bức tượng đá đẹp nhất trên thế giới.

Nepal – Miền đất chuyển tiếp

Hành hương đầu năm đến miền đất Phật

Nepal là một nước nhỏ so với Ấn Độ và Trung Quốc nhưng thực ra đó chính là miền đất nối liền giữa Ấn Độ và Tây Tạng nên từ xưa Nepal là nơi các vị Tăng sĩ từ Ấn Độ du hành đi Tây Tạng và ngược lại.
Tại Kathmandu, thủ đô Nepal, nhất là tại Patan, kinh đô cũ của Nepal, ta có thể tìm thấy rất nhiều dấu tích Phật giáo. Tại Kathmandu, khách hành hương thường đến đảnh lễ tại hai ngôi đền nổi tiếng, Boudhanath và Swayambhunat. Đó là hai đền rất thiêng liêng của Nepal.
Nepal thường là nơi xuất phát cho các đoàn hành hương đi Tây Tạng. Nhưng nếu chỉ giới hạn tại Nepal thì chuyến hành hương Nepal chỉ kéo dài khoảng một tuần. Từ thủ đô Kathmandu, ta có đường bay nội địa đi Lâm-tì-ni, nơi Phật đản sinh.

Ngân Sơn – Ngọn núi thiêng

Hành hương đầu năm đến miền đất Phật

Ngân Sơn (Kailash) là một địa điểm hành hương hết sức đặc biệt. Đó là một ngọn núi tại miền Tây Tây Tạng. Đỉnh Ngân Sơn cao khoảng 6.450m nhưng khách hành hương không leo lên đỉnh. Ngược lại, theo truyền thống, khách chỉ đi vòng quanh núi, trên một độ cao chừng 5.000m, điểm cao nhất là đèo Dolma cao 5.660m.
Ngân Sơn được xem là hiện thân của núi Tu-di trên trái đất, là thánh địa không những của Phật giáo mà cả của Ấn Độ giáo. Trong phạm vi của Ngân Sơn có hai hồ thiêng là hồ Manasarovar và Rakastal. Từ Ngân Sơn phát xuất bốn con sông lớn chảy ra bốn phía.
Khách hành hương có thể đi từ Nepal để đến Ngân Sơn. Một cách khác là đi từ thủ đô Lhasa của Tây Tạng. Cả hai cách đều đưa khách đi bằng xe dã ngoại hay xe buýt, trên một độ cao gần 5.000m, với một chặng đường khoảng 900km (từ Kathmandu) hay 1.300km (từ Lhasa).
Tại chân núi Ngân Sơn, khách hành hương đi bộ quanh núi với độ dài 52km. Tất cả phải ngủ hai đêm trên núi cao, trong tu viện hay lều. Cần có một sức khỏe rất dồi dào mới có thể chịu đựng được.

Tây Tạng – Xứ sở của Kim Cương thừa

Hành hương đầu năm đến miền đất Phật

Sau Trung Quốc, Phật giáo Tây Tạng lại là một dạng phát triển khác của nền Phật giáo Nguyên thủy.
Tại Tây Tạng khách hành hương sẽ tham bái rất nhiều đền đài và tranh tượng quý báu. Thiêng liêng nhất là đền Barkhor ngay giữa trung tâm Lhasa, thủ đô Tây Tạng. Khách sẽ được viếng điện Potala, ngôi đền lớn nhất của Phật giáo Tây Tạng và cũng là nơi chứa các bảo tháp của các vị Đạt-lai Lạt-ma.
Khách hành hương còn có thể đi chiêm bái đền Samya, chiêm bái các viện đại học Phật giáo xưa của Tây Tạng, nơi từng đào tạo các vị Lạt-ma nổi danh trong các thế kỷ qua.
Hành hương tại Tây Tạng đòi hỏi phải có một sức khỏe ổn định vì Lhasa nằm trên một độ cao chừng 3.600m. Từ Lhasa, sẽ được chiêm bái Gyantse hay Shigatse, hai nơi cũng rất thiêng liêng của Phật giáo Tây Tạng. Chuyến đi sẽ đưa khách đi trên một độ cao gần 5.000m nơi mà không khí loãng sẽ ảnh hưởng rất nhiều lên sức khỏe.

Tổng hợp

Bài viết này được cập nhật lần cuối (Last updated): 16-10-2019 18:00:25

Danh mục đăng tin:Du lịch Trung Quốc, Khám Phá Trung Quốc,
Top